Hà Nội: Không để đứt gãy chuỗi liên kết, đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu

Thời gian qua, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP phối hợp, chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung cầu; chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng.

Mở những điểm bán hang dã chiến

Theo đó, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP chỉ đạo các hệ thống phân phối chuẩn bị hàng hóa dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng như: Bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động phục vụ Nhân dân... ứng biến linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đồng thời, vừa hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm, không làm đứt gãy chuỗi liên kết, vừa bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn.

Hà Nội có nhiều điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội
Hà Nội có nhiều điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội

Tại các quận, huyện, thị trên địa bàn Thủ đô cũng đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay, 9 quận của Hà Nội đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa người dân với các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại.

Theo Sở Công thương Hà Nội, để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, 13 DN đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô, xe buýt. Trong trường hợp cấp bách, TP sẽ kêu gọi DN mở rộng triển khai mô hình này. Cụ thể, Cty CP Sữa nông trại Ba Vì; Cty CP Dafusa Việt Nam; Cty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Cty CP TTTM Lotte Việt Nam; Cty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Cty TNHH Aeon Việt Nam, Cty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Cty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Cty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe buýt bán hàng lưu động.

Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các DN bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe buýt sẽ triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để người dân không phải đi chợ. TP cũng đã chỉ đạo, xây dựng phương án huy động, điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa và kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các DN trong vận chuyển. Qua đó, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP

Bà Nguyễn Thị Mai, GĐ Cty CP sữa Nông trại Ba Vì cho hay, Cty chuyên sản xuất các sản phẩm đặc sản từ sữa. Điều đặc biệt là nguyên liệu sữa tươi được đưa vào chế biến trong vòng 1g sau khi vắt sữa xong nên sản phẩm tươi ngon giữ nguyên hương vị tự nhiên và giá trị dinh dưỡng có trong sữa. Sữa nông trại “Myfarm” được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng HACCP và đã được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Còn bà Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, chia sẻ, huyện Thanh Oai là vùng xanh có tiềm năng dồi dào về nông sản với trên 8.000 ha đất nông nghiệp (trồng lúa 6.500 ha, nuôi trồng thủy sản 554 ha, cây ăn quả 435 ha, rau màu 178 ha, trang trại tổng hợp 116 ha, chăn nuôi tập trung 53 ha).

Hiện, Thanh Oai có đàn trâu bò gần 6.000 con, đàn lợn trên 39.000 con, đàn gia cầm gần 1,5 triệu con (50% đẻ trứng)… với một số sản phẩm chủ lực của huyện là: Thóc trên 72.000 tấn/năm tiêu thụ tại huyện 24.000 tấn (còn 2/3 cần tiêu thụ ngoài huyện 48.000 tấn, trứng gia cầm 500.000 quả/ngày tiêu thụ tại huyện khoảng 100.000 quả/ngày (còn 80% cần tiêu thụ ngoài huyện 400.000 quả/ngày), thịt lợn và các sản phẩm nông nghiệp khác cơ bản đáp ứng nhu cầu trong huyện. Đối với các sản phẩm nhiều cần tiêu thụ của huyện Thanh Oai chủ yếu là thóc gạo, trứng gia cầm. Do ảnh hưởng của Covid-19 hiện nay việc tiêu thụ thóc gạo cơ bản ổn, chỉ còn trứng gia cầm là khó khăn rất cần được kết nối, tiêu thụ.

Tại diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 về kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn TP Hà Nội, huyện Thanh Oai đăng ký xúc tiến, tiêu thụ 2 sản phẩm là trứng vịt trắng và trứng gà đỏ của 5 hộ đã có chứng nhận chất lượng OCOP và VietGap (giá từ 2.300 đồng - 3.000 đồng/quả).

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, Hà Nội tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản, thực phẩm an toàn” nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch. Đồng thời, phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Đỗ Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.