Huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Mở rộng diện tích gieo trồng vụ mùa để đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới sản xuất, đe dọa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp ở các huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn duy trì ổn định tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại huyện Ba Vì, theo báo cáo của đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện tại buổi họp trực tuyến triển khai thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP Hà Nội tổ chức, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, huyện Ba Vì đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng tính đến ngày 30-8 đạt 21.567 ha. Vụ mùa diện tích lúa đạt 5.582 ha, tính đến ngày 8-9 đã thu hoạch 850 ha, năng suất ước đạt 57 tạ/ha.

Chăn nuôi được duy trì với tổng đàn trâu bò đạt trên 37.700 con; sản lượng xuất chuồng đạt 85 tấn; đàn lợn 294.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 25.000 tấn; đà điểu 3.928 con, sản lượng trứng 15.000 quả; đàn gia cầm 5,7 triệu con, sản lượng 70.000 tấn; sản lượng trứng đạt 70 triệu quả.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.600 ha, sản lượng 6.000 tấn. Tình hình tiêu thụ về rau củ quả đa số tiêu thụ trong nội huyện khi thực hiện giãn cách xã hội. Đối với chăn nuôi, giá bán gà ta đạt 95.000 – 1000.000 đồng/kg; giá thịt lợn hơi giảm chỉ đạt 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Về công tác phòng chống thiên tai, UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại sự cố, thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ở huyện Chương Mỹ, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng huyện Chương Mỹ tiếp tục duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện trong 9 tháng đầu năm là 21.436,4ha, đạt 100,6% kế hoạch và bằng 99,1% so cùng kỳ.

Trong đó, diện tích cấy lúa là 16.167,4ha, tổng sản lượng ước đạt 101.850 tấn. Cơ cấu giống lúa tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao, làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác.

Mở rộng diện tích gieo trồng vụ mùa để đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp
Nông dân thu hoạch rau tại huyện Chương Mỹ

Ngành chăn nuôi của huyện duy trì phát triển ổn định. Tổng đàn lợn có 201,5 nghìn con, đàn trâu, bò có 14,6 nghìn con, đàn gia cầm có 6.177 nghìn con. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng ước 9 tháng đầu năm 2021: Trâu, bò ước đạt 1.521 tấn; lợn ước đạt 33.800 tấn; gia cầm ước đạt 19.355 tấn.

Trên địa bàn huyện có 573 trang trại chăn nuôi, tăng 5 trang trại so với cùng kỳ. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 3.010ha, tăng 499ha so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 12.000 tấn.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nhiều mô hình khuyến nông đã giúp nông dân nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, góp phần duy trì phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Huyện tiếp tục hỗ trợ duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích 435ha; hỗ trợ thực hiện mô hình canh tác rau gia vị VietGAP và hữu cơ vùng đồi gò tại Tân Tiến; mô hình luân canh rau bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2021 tại Thụy Hương và Chúc Sơn;

Triển khai mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao với quy mô 05ha tại xã Lam Điền; cấp giống lúa mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Xuân cho 15 xã, thị trấn với tổng diện tích là 860ha; hỗ trợ chăn nuôi gà giống lông màu thương phẩm; mô hình nuôi vịt thương phẩm cao sản; mô hình nuôi lợn thịt an toàn sinh học…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các ngành của huyện, UBND, các Hợp tác xã nông nghiệp 32 xã, thị trấn tập trung sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích gieo trồng vụ mùa để đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 của huyện nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Đặc biệt, suốt hơn một tháng qua Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, huyện đã tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay cơ bản nông sản của huyện không còn khó khăn trong khâu tiêu thụ, một số chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.