Xây dựng “vùng xanh” đảm bảo cung ứng nông sản cho thị trường

Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa duy trì sản xuất trong điều kiện mới, vừa phòng chống dịch, các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm từ vùng 2, vùng 3 vào vùng 1, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.

Nỗ lực tổ chức sản xuất

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội đang nỗ lực tổ chức sản xuất tại các “vùng xanh” đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng ra thị trường, khi nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để đảm bảo phương án sản xuất an toàn, hiệu quả, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh,” bảo đảm hoạt động sản xuất. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường để kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng giá đột biến, hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh.

Xây dựng “vùng xanh” đảm bảo cung ứng nông sản cho thị trường
Người dân khu vực ngoại thành đang nỗ lực sản xuất nông sản cung ứng cho thị trường

Để bảo đảm nguồn cung về lương thực, thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai phương án sản xuất và các giải pháp điều hành, chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương, kế hoạch nông nghiệp của từng địa phương, phù hợp với diễn biến thực tế các cấp độ phòng, chống dịch bệnh.

UBND huyện Ba Vì cho biết, ngay từ ngày 4-9, UBND huyện đã xây dựng biện pháp phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-UBND. Huyện khuyến khích sử dụng máy móc sẵn có trong huyện để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đảm bảo không để ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

Trên địa bàn huyện Ba Vì, thời điểm này đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, sản xuất vụ Đông năm 2021. Huyện đã giao các xã thống kê danh sách, số điện thoại của từng hộ nông dân có ruộng, để khi máy gặt đến ruộng của hộ nào thì thông báo cho hộ đó, mỗi lần ba hộ, mỗi hộ cử một người. Huyện cũng mở cửa cho các thương lái vào thu mua nông sản nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch...

Đảm bảo an toàn lưu thông

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến nhu cầu tiêu dùng của 8,1 triệu người dân TP trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP Hà Nội khoảng 36.450 tấn gạo, 40.485 tấn rau củ quả, 9.716 tấn thịt gia súc, 2.429 tấn thịt gia cầm, 48,6 triệu quả trứng, 9.716 tấn thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời…, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Đại diện Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, TP đã xây dựng được hơn 140 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các chuỗi liên kết này đều có ý nghĩa rất lớn với người lao động và người tiêu dùng, đồng thời góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế. Các sản phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hoá được chuẩn bị đầy đủ, TP đã sẵn sàng đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Nhằm phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới theo từng phân vùng, Sở Công Thương đã phân bổ mạng lưới cung ứng, phân phối trên toàn địa bàn TP đảm bảo hàng hoá không thiếu, không sốt giá.

Để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, hiện nay, TP có 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm. Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.