Công an Hà Nội khuyến cáo sau vụ bé trai 9 tuổi tử vong khi học trực tuyến ở nhà

Theo khuyến cáo của Công an thành phố Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều học sinh, trẻ nhỏ phải học online tại nhà, khi trẻ nhỏ ở nhà một mình rất có thể xảy ra nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như: hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích ngay chính trong ngôi nhà của mình.

Sáng 10-9, một vụ việc thương tâm đã xảy ra trên địa bàn phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khi một bé trai 9 tuổi bị điện giật gây tử vong khi đang học trực tuyến. Đây là sự cố rất đáng buồn khi học sinh toàn thành phố vừa bước vào năm học mới được ít ngày.

Qua sự việc, có thể thấy rủi ro có thể xảy đến với trẻ bất cứ lúc nào, nhất là trong thời gian toàn thành phố đang thực hiện giãn cách, khi trẻ em tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện, điện tử tại nhà.

Công an Hà Nội khuyến cáo sau vụ bé trai 9 tuổi tử vong khi học trực tuyến ở nhà
Hiện trường vụ việc đau lòng xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội

Theo khuyến cáo của Công an thành phố Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh, trẻ nhỏ phải học online tại nhà, nhiều gia đình đã để trẻ nhỏ tự quản, tự sinh hoạt tại nhà mà không có sự kèm cặp của người lớn, hoặc có nhiều gia đình cho con nhỏ tự do chơi tại khuôn viên nhà.

Khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính các cháu hoặc cho cả người xung quanh. Đã có nhiều vụ cháy, vụ tai nạn do trẻ nhỏ gây ra, khi người lớn vắng nhà, trẻ nhỏ thường tò mò, bắt chước sử dụng ngọn lửa trần, nghịch các thiết bị điện gây cháy, hoặc đôi lúc do hiếu động nên trẻ còn tự làm bị thương mình để bị bỏng, chảy máu chân tay.

Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, cần đảm bảo rằng bé đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân và chú ý một số nội dung.

Cụ thể, cần có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, hoặc phải giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao. Để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất giấu những đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.

Luôn chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi bạn ra khỏi nhà và dặn con giờ ăn, ngủ, đồng thời bố mẹ cũng cần gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng một lần.

Khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm bé không được sờ vào.

Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho con. Vì nếu lỡ trong nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì bé sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.

Dặn con tuyệt đối không được bước chân ra khu vực ban công.

Chuẩn bị cho con sách, truyện mà bé muốn đọc hoặc đồ chơi mà bé yêu thích. Cho phép bé xem tivi, chơi máy tính, điện thoại nhưng cần đặt giới hạn các chương trình mà bé được phép xem.

Hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc… hướng dẫn con cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa. Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.

Thực hiện những công việc tích cực cùng chơi với con trong mùa dịch, hướng dẫn con trẻ thực hiện tốt đảm bảo an toàn cho chính bạn và gia đình…

Trong hướng dẫn phòng tránh tai nạn điện giật cho trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, để phòng tránh tai nạn do điện giật, các gia đình cần hướng dẫn, giải thích cho trẻ biết về sự nguy hiểm của điện, tránh xa nơi dây điện rơi, đứt; không chơi gần trạm điện, biến thế điện. Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc bằng chất cách điện chắc chắn nếu đi bên ngoài.

Ổ điện, công tắc, cầu chì, ổ cắm… được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 5 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn, những ổ điện ít sử dụng phải được dán, đậy kín. Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện, đặc biệt tại các phòng, vị trí trong ngôi nhà trẻ thường xuyên ngủ, học, chơi.

Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đề phòng vật dụng điện, dây dẫn điện bị rò, hở điện. Tuyệt đối không dùng hoặc đấu nối dây điện không có phích, đầu rắc cắm kín, cách điện để cắm trực tiếp vào ổ điện.

Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị điện giật khi trẻ em có tiếp xúc với nguồn điện. Choáng váng, lả đi, cảm giác khó thở, tái xanh hoặc bất tỉnh trong trường hợp nặng, vết phỏng do điện.

Lúc này, bằng mọi cách ngay lập tức tách trẻ bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt nguồn điện hoặc bằng các vật cách điện. Nếu trẻ đã bất tỉnh phải kêu gọi mọi người giúp đỡ, tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và kiên trì. Sau đó chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.