Khẩn trương ứng phó cơn bão số 5

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 10- 9, bão số 5 (Conson) cách quần đảo Hoàng Sa 200km, cường độ cấp 10, mạnh thêm 1 cấp so với ngày 9-9.
Dự báo đường đi của cơn bão số 5. (Ảnh:Trung tâm dự bão Quốc gia)
Dự báo đường đi của cơn bão số 5. (Ảnh:Trung tâm dự bão Quốc gia)

Trong ngày 11 đến ngày 12-9 bão gây gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Từ sáng sớm ngày 11-9 đến 12-9, bão gây gió mạnh ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm Lý Sơn, Cồn Cỏ) với sức gió cấp 7-8, sau tăng lên 9-10, giật cấp 12.

Ngày 12 đến ngày 13-9, bão di chuyển về đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, cường độ giảm 1-2 cấp, trọng tâm ảnh hưởng trực tiếp: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Mưa lớn sẽ xuất hiện từ ngày 11đến ngày 13-9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và xuất hiện từ ngày 12 đến ngày 14-9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình ít còn nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 5.

Trước đó, ngày 9-9, Hải Phòng đã phát công văn hỏa tốc số 6329/UBND-TL về chủ động ứng phó với bão số 5 Conson. Trước khả năng bão ảnh hưởng đến thành phố Hải Phòng, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với bão đã được duyệt.

Các đơn vị chủ động thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện và người trên các tàu thuyền vận tải, tàu đánh cá vãng lai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân trên các đảo và lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công, không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ. Đồng thời, chủ động tiêu thoát nước đệm phòng chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Thành phố yêu cầu triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, khu công nghiệp ven biển, bến cảng, kho tàng, bảo vệ sản xuất lúa và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại…

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão, các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kịp thời tham mưu cho thành phố các nội dung để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão.

Ngọc Dũng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.