Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1”

Không một lời bình, không kỹ xảo hình ảnh, 50 phút của bộ phim tài liệu “Ranh giới” hoàn toàn mô tả hiện thực cuộc sống nhưng đã chạm tới trái tim của khán giả. Và đằng sau những hình ảnh đắt giá đó là “tinh thần thép” của người giữ vai trò đạo diễn trong phim - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Giây phút tác nghiệp “điểm nóng”

Ngay từ khi phát sóng, bộ phim tài liệu “Ranh giới” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) đã gây bão cộng đồng bởi sự chân thực, xúc động đến ám ảnh. Nhiều phân cảnh quay khiến người xem nổi da gà và cảm nhận ranh giới sự sống và cái chết quá mong manh, khi những bệnh nhân nhiễm Covid-19 là các thai phụ không chỉ trân quý từng nhịp thở cho mình mỗi giây phút, mà còn nỗ lực duy trì nhịp sống cho đứa trẻ trong bụng.

Đối mặt với những triệu chứng suy hô hấp nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, có lúc bệnh nhân tưởng chừng kiệt sức thì họ được tiếp lửa từ sự nỗ lực hết mình của cán bộ y bác sĩ, từ những lời động viên chân tình, cảm động và cuối cùng rất nhiều bệnh nhân đã vượt qua “cửa tử” giành lại sự sống.

Bộ phim không chỉ tái hiện hiện thực đầy ám ảnh mà còn là tiếng chuông thức tỉnh với cộng đồng về ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, vai trò của những “chiến sĩ áo trắng” chính là những “bình oxy sống” trong cuộc chiến giành lại sự sống quá khốc liệt này.

Trò chuyện với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sau tập phim tài liệu “Ranh giới” đã phát sóng, tôi vô cùng cảm phục trước bản lĩnh xông pha, một “tinh thần thép” khi đối mặt giữa lằn ranh của sự sống và cái chết cận kề. Với vai trò đạo diễn và kịch bản phim, anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều ngay từ khi lựa chọn tựa đề cho phim là “Ranh giới”, giữ vững tinh thần làm việc, tập trung trong lúc phải chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến sinh tử.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết, cuối tháng 7-2021, anh cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự (Đài truyền hình Việt Nam) được cử đi công tác vào “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh. Nhóm tác nghiệp 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm các nhóm ê-kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 – BV Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ bị nhiễm Covid-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường bệnh.

Sau 15 ngày tác nghiệp tại “điểm nóng” của khu K1, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong đã ghi lại hàng trăm tập dữ liệu. Việc lên ý tưởng kịch bản, chọn phân cảnh nào, góc quay đắt giá nào để tạo hiệu ứng cho khán giả và phản ánh chân thực nhất “tính báo chí của bộ phim tài liệu” là những câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1”
Hình ảnh hậu trường của bộ phim "Ranh giới". Ảnh NVCC

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho hay: “Trong 15 ngày tác nghiệp tại khu K1- BV Hùng Vương chứng kiến đội ngũ y bác sĩ làm việc, lao động quên mình. Sức lực bằng 200% ngày thường. Chính những hành động của họ khi giành giật lại sự sống cho bệnh nhân đã cho đoàn làm phim động lực và niềm tin để hoàn thành những thước phim”.

Quá trình làm hậu kỳ cũng là thời gian đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hoàn tất thủ tục cách ly sau những ngày tác nghiệp quên mình ở trận chiến khắc nghiệt. Đối với anh Tư, khó khăn nhất là quyết định đưa chi tiết, phân cảnh nào vào phim bởi xem hết các tệp dữ liệu, nhiều lúc cảm xúc lại dâng lên quá nhiều.

“Những lúc đó tôi phải nghỉ ngơi, tách biệt, đưa vai trò của người làm phim vào trong đó chứ không phải là mặt cảm xúc xâm lấn. Số lượng file lớn, tôi phải tính toán để đưa ra dữ liệu, hình ảnh đắt giá. Vì theo đuổi dòng phim hiện thực cuộc sống, không có kịch bản sẵn cho nên phải dựng nháp rất lớn sau đó mình ghép lại, mình tính toán đưa cái trường đoạn nào vào”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.

Khi được hỏi, những ngày đầu nhận được đề tài nóng, thực hiện trong môi trường hoàn cảnh đặc biệt có những trăn trở? Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thẳng thắn: “Thực ra cá nhân khi đi vào tâm dịch, không có tư tưởng sợ hãi, chỉ với tâm thế hăng hái, nhiệt tình, quên mình không thôi. Dù đã được trang bị đồ bảo hộ, bản thân được chích ngừa đầy đủ 2 mũi vắc-xin, nhưng khi tác nghiệp tại “điểm nóng”, nỗi lo thường trực của tôi là làm thế nào hoàn thành đúng công việc. Khi vào “tâm dịch”, có y bác sĩ trẻ làm việc quên mình, cống hiến, lao động khủng khiếp tiếp thêm cho mình động lực, mình nhìn và noi theo. Từ đó, mình cuốn vào hành trình cứu chữa của bác sỹ với bệnh nhân”.

Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1”
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trong thời gian tác nghiệp tại "điểm nóng". Ảnh NVCC

Việc tác nghiệp trong môi trường đặc biệt cũng là những kỷ niệm khó quên với diễn Tạ Quỳnh Tư. “Vì phim làm không lời bình, có nghĩa là mình phải ghi một lượng file rất lớn và đặc biệt tác nghiệp nhanh, quan trọng nhất là thu được tiếng. Hai ngày đầu tiên thì tiếng bị ồn và chúng tôi không thể tác nghiệp nổi. Mic thì không thể đeo được cho bất kỳ ai vì họ mặc đồ bảo hộ và y bác sỹ cũng quá bận. Khi vào phòng điều trị thì có quá nhiều âm thanh khác. Tiếng máy thở, monitor, đo nhịp tim quá lớn ảnh hưởng rất nhiều trong việc thu tiếng của nhân vật. Cuối cùng sau khi gọi điện hỏi bạn bè, chúng tôi cũng tìm ra phương án, dù thực sự chất lượng thì không được như ý muốn.

Một điểm lưu ý là việc bảo hộ cho các thiết bị ghi hình. Ban đầu, chúng tôi lấy màng bọc thực phẩm bằng giấy bóng cuốn vào máy quay nhưng lại hạn chế về độ lấy nét. Cuối cùng mỗi lần tác nghiệp xong thì phải khử khuẩn với khử cồn ướt hết máy quay. Có lúc, máy quay được 3 hôm thì bị kẹt, bị đơ, bị chập không nhận lệnh và chúng tôi chấp chận phương án lúc ấy là có thể hỏng máy và phải mượn máy khác”, đạo diễn Tạ Quỳnh Thư kể lại.

Tính báo chí của phim tài liệu

50 phút tập phim “Ranh giới” không chỉ ghi lại trực tiếp về hình ảnh trong các phòng bệnh cấp cứu, về những bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh quái ác, còn là hình ảnh nỗ lực, cống hiến của những y, bác sĩ.

Đằng sau cuộc chiến chạy đua với thời gian để duy trì sự sống cho bệnh nhân, các y bác sĩ còn là những người bạn động viên tinh thần cho bệnh nhân. Và họ cũng là những con người bình thường, cũng có cảm giác tiếc nuối, bất lực khi không thể cứu sống bệnh nhân.

Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1”
Khoảnh khắc của bác sĩ gọi điện thoại thông báo tình hình bệnh nhân cho người thân gây nhiều xúc động. Ảnh NVCC

Các cảnh quay bắt được tâm tư của người bác sĩ sau những giây phút bất lực, theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đó là một khoảnh khắc buồn và hụt hẫng nhất. Đó là cảm giác thất vọng của bác sĩ hồi sức, tham gia nhấn tim. Chứng kiến khoảnh khắc đó, anh Tư dành khoảng 20 phút để chụp ảnh, ghi lại chi tiết.

Đối mặt với "búa rìu" dư luận, chỉ trích việc tại sao lại “vô cảm” khi có thể quay trực diện những giờ phút sinh tử của bệnh nhân, tại sao không làm mờ, xoá hình ảnh đầy tang thương như thế.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư lý giải, thứ nhất anh đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công là xác định mục tiêu truyên tuyền đặt lên hàng đầu, tôn vinh sự hi sinh thầm lặng, cao cả của đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch. Hơn nữa, anh không vi phạm đạo đức tác nghiệp khi đã nhận được sự đồng ý của nhân vật trong thời gian 15 ngày thực hiện ghi hình.

Tất nhiên, anh Tư hiểu rằng “nhân vô thập toàn” trong tuyên truyền sẽ có sự ủng hộ và có những ý kiến trái chiều là điều khó tránh khỏi. Nếu ai cũng cứ nghĩ cái tôi, cá nhân lấy đâu ra một tinh thần cộng đồng tập thể của cả một xã hội, dân tộc, đang đoàn kết vượt qua dịch bệnh.

Đó còn là những câu chuyện chưa kể về những nhân vật không có khả năng vận động, những nhân vật không nói, nằm bất động thì thực tế trên phim, máy quay chỉ quay qua vai, phần sau lưng, quay xa và người xem khó có thể nhìn thấy rõ mặt.

Với nhiều dữ liệu ghi hình, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư quyết định sẽ chia thành 2 tập phim. Nếu tập 1 có tên “Ranh giới” là sự dồn nén, bức bối, gấp gáp, ngột ngạt từng bước chân, nhấn tim cấp cứu bệnh nhân thì phim thứ 2 có tên “Ngày con chào đời” là những khoảng lặng từ bác sĩ trong quá trình đón những em bé và khâu vết mổ cho thai phụ. Dự kiến, bộ phim thứ 2 “Ngày con chào đời” sẽ phát sóng vào ngày 22-9 trên kênh VTV1.

Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1”
Chân dung đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Ảnh NVCC

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hy vọng rằng hai bộ phim sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến người xem và tác phẩm của anh sẽ khiến suy nghĩ của nhiều người thay đổi, để những người dân hiểu sự khốc liệt của cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, thức tỉnh người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (SN 1980). Anh từng học quay phim, sau đó rẽ hướng sang ngành đạo diễn. Công việc hiện tại làm đạo diễn Trung tâm tài liệu và phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam). Ngoài bộ phim “Ranh giới” tạo hiệu ứng truyền thông với dư luận, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư từng gây tiếng vang với các tác phẩm phim tài liệu khác như: “Hai đứa trẻ”, “Miền đất hứa”, “Chông chênh”,…

Vi Giáng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.