Hà Nội: Tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa vào vùng đỏ

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Công thương, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, CATP đã khẩn trương xây dựng phương án bố trí "luồng xanh" cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt.

Xe “luồng xanh” vẫn được lưu thông tại vùng 1

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, ngành GTVT tiếp tục phối hợp với CA TP quản lý chặt chẽ việc ra, vào TP. Cùng với đó, ngành cũng phối hợp với ngành công thương để đảm bảo giao thông phục vụ cho cung ứng hàng hóa.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đến ngày 4-9, TP Hà Nội đã có trên 51.111 xe ô tô được cấp "Luồng xanh quốc gia;" trên 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở GTVT. Vào ngày 7-9, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong vùng 1 thuộc lĩnh vực quản lý của Sở. Đáng chú ý, các xe đã được cấp mã nhận diện "luồng xanh" vẫn được lưu thông tại vùng 1 nếu đáp ứng đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19...

Xe cung ứng phục vụ người dân khu vực cách ly tại quận Đống Đa, Hà Nội	Ảnh minh họa
Xe cung ứng phục vụ người dân khu vực cách ly tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh minh họa

Đồng thời, Sở cũng có văn bản hướng dẫn các bước đăng ký giấy đi đường cụ thể cho các đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát thi công, thi công công trình giao thông được cấp có thẩm quyền chấp thuận thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Đối tượng là các đơn vị vận tải có phương tiện được huy động để vận chuyển người đi cách ly, sau cách ly, vận chuyển mẫu sinh phẩm, phục vụ truy vết, taxi vận chuyển như: Vận chuyển F0, cấp cứu, từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà, vận chuyển các đối tượng khi có yêu cầu của cơ quan CA, quân đội, cơ quan y tế, chính quyền địa phương; phương tiện dự phòng ứng phó với các cấp độ dịch bệnh cũng thực hiện theo quy trình cùng với các đơn vị nêu trên...

528 xe ôtô hoạt động nội đô và chạy liên vùng

Cũng trong đợt giãn cách xã hội từ 6g ngày 6-9 đến 6g ngày 21-9, Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng “đỏ - cam - xanh” phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới. Cơ quan này khẳng định sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đến người dân trên địa bàn. Người dân vẫn được UBND quận, huyện, phường xã phát phiếu mua hàng để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng và thực hiện những hình thức mua hàng tại điểm bán hàng lưu động và mua hàng online.

Theo đại diện của các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21-9 doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0. Đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, TP sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.

Đối với "vùng đỏ", khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shipper, các lực lượng khác: Phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt). Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại phân vùng 2 và phân vùng 3 cũng sẽ mua hàng thiết yếu thông qua 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động..

Các quận, huyện chuẩn bị mỗi đơn vị 5 xe ôtô để sẵn sàng hỗ trợ hệ thống phân phối hàng hóa. TP cũng giao Sở GTVT chuẩn bị 528 xe ôtô; trong đó, 450 xe hoạt động trong nội đô và 78 xe chạy liên vùng, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, TP cũng chuẩn bị sẵn 50 xe buýt bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu của người dân khi cần thiết. Nhờ đó, mặc dù trong nội thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng TP vẫn quan tâm, tạo điều kiện cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân như bình thường.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.