Thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị F0 tại nhà

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị cho người bệnh F0 tại nhà qua sử dụng Tele-Health trong điều trị Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, số người nhập viện điều trị tăng cao, gây quá tải cho các bệnh viện, đồng thời số người bệnh F0 đang điều trị tại nhà rất lớn, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị cho người bệnh F0 tại nhà qua sử dụng Tele-Health trong điều trị Covid-19.

Các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề cũng được phép kê đơn điện tử đúng chuyên khoa cho F0 trong trường hợp khẩn cấp. Để triển khai hoạt động này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện xây dựng kế hoạch cụ thể của phòng khám về tổ chức nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy chế hoạt động trình Giám đốc bệnh viện phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

Bệnh viện phải bố trí nhân sự có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc tư vấn khám và hướng dẫn điều trị cho người bệnh, có lịch phân công trực thường xuyên 24/24g tại phòng khám.

Các bác sĩ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có như Zalo, Zoom, Viber, Messenger, ứng dụng sổ quản lý sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử… để hỗ trợ hiệu quả nhất cho người bệnh. Đồng thời, bệnh viện phải có số điện thoại được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tiện liên hệ khi cần trợ giúp.

Theo Bộ Y tế, bệnh viện có thể cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép kê đơn điện tử đúng chuyên khoa mình được cấp chứng chỉ hành nghề cho người bệnh mắc Covid -19 trong trường hợp khẩn cấp. Bộ Y tế cũng nêu rõ: Các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đề nghị Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức thực hiện phòng khám từ xa tư vấn và điều trị cho F0 tại nhà trong quá trình hoạt động.

Thành lập phòng khám từ xa để tư vấn và điều trị F0 tại nhà
Việc hội chẩn điều trị cho bệnh nhân Covid-19 qua hệ thống Telehealth thời gian qua đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng (ảnh L.H)

Trước đó, ngày 5-9 tại Công điện số 1323/CĐ-BYT gửi UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19, một trong những giải pháp được nhấn mạnh để tăng cường năng lực điều trị, giảm tử vong được Bộ Y tế đưa ra là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị và tổng hợp, báo cáo. Trong đó, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị Covid-19 và hệ thống cấp cứu 115 về khả năng tiếp nhận và thông tin người bệnh để bảo đảm tiếp nhận, cấp cứu kịp thời người bệnh; Tăng cường ứng dung công nghệ thông tin và tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lưc đ̣ể kip thời tiếp nhận, điều tri ̣người bệnh.

Cung cấp thông tin và hướng dẫn cho người dân, người bệnh về thông tin liên lạc của hệ thống cấp cứu 115, y tế cơ sở, cơ sở thu dung, quản lý, điều trị Covid-19, mạng lưới thầy thuốc tình nguyện… để liên hệ được khi cần; Củng cố công tác thống kê, báo cáo để có các thông tin và hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành được chính xác, kịp thời. Cập nhật theo dõi tình hình thu dung, theo dõi điều trị người bệnh tại các tầng và số giường trống để tiếp nhận người bệnh mới. Kiểm tra, đánh giá, phân tích công tác điều trị để rút kinh nghiệm, bài học và điều chỉnh kịp thời.

Hay tại Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị Covid-19 cho 63 tỉnh, TP trong cả nước ngày 28-8, trong số các nội dung tập huấn có vấn đề về hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh Covid-19 qua Telehealth; quản lý điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nhà; phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế; kinh nghiệm trong tổ chức quản lý người mắc Covid-19 tại nhà;… nhằm góp phần giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do Covid-19 tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đây là những nội dung vô cùng quan trọng trong công tác điều trị Covid-19. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, TP, Y tế các Bộ, ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm tiếp tục triển khai, đào tạo cho các thành phần liên quan của các cơ sở trực thuộc và trên địa bàn.

Trước đó, đầu tháng 8-2021 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng gửi văn bản tới các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các bộ, ngành yêu cầu tăng cường sử dụng Telehealth (nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa) trong điều trị.

Văn bản nêu rõ, trong quá trình đi kiểm tra công tác điều trị Covid-19 tại một số địa phương, cho thấy một số bệnh viện chưa tích cực triển khai áp dụng Telehealth trong điều trị Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.

Các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, zoom, zalo, viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.

Các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.

Từ những chỉ đạo trên của Bộ Y tế cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng chẩn đoán, điều trị từ xa qua hệ thống telehealth-đặc biệt với bệnh nhân Covid-19. Điều này cũng được chứng minh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam với nhiều bệnh nhân nguy kịch được hội chẩn điều trị, cứu sống thành công.

T. An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.