Xử lý mạnh tay hành vi tấn công lực lượng thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19

Kỳ 2: Trả giá đắt cho hành vi chống đối lực lượng phòng, chống dịch Covid-19

Trước vành móng ngựa hoặc tại CQCA, các đối tượng phạm tội đều tỏ ra ăn năn hối lỗi nhưng đã quá muộn. Tất cả những hành vi chống đối lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 đều phải trả giá đắt.

Chống đối lực lượng phòng chống dịch phải lĩnh án tù

Các vụ việc chống người thi hành công vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 đều được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách kịp thời đã khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Hầu hết những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đi ngược lại những nỗ lực chung của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 đều được xử lý nghiêm khắc, nhằm cảnh tỉnh, răn đe, góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tuyên tại phiên xét xử
Bị cáo Nguyễn Hữu Tuyên tại phiên xét xử

Mới đây, ngày 24-8, HĐXX TAND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tuyên, SN 1970, trú tại huyện Yên Lạc, 18 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Theo cáo trạng, sáng 4-8, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 đầu cầu Hạc Trì, huyện Vĩnh Tường, bị cáo Tuyên điều khiển xe ô tô tải đi vào làn đường dành cho xe luồng xanh mà không có giấy tờ theo quy định.

Khi lực lượng chức năng yêu cầu khai báo y tế, ngoài việc không có giấy kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 âm tính, Tuyên còn có hành vi chống đối tổ công tác, lên xe đóng chặt cửa, cố thủ ngồi trong ca bin nhằm mục đích gây ùn tắc giao thông để tổ công tác buộc phải xả chốt. Khoảng 20 phút sau, Tuyên điều khiển phương tiện lao thẳng vào vị trí 2 cán bộ chiến sĩ CA huyện Vĩnh Tường đang làm nhiệm vụ để bỏ chạy, buộc lực lượng chức năng phải dùng xe chuyên dụng truy đuổi, khống chế.

Bị cáo Nguyễn Quốc Thỏa tại phiên xét xử
Bị cáo Nguyễn Quốc Thỏa tại phiên xét xử

Trước đó, ngày 18-6, TAND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Thoả, 24 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. HĐXX xác định, tối 8-6, Thoả đi qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhưng không đeo khẩu trang và quá giờ quy định. Mặc dù tổ công tác đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu chấp hành các quy định về phòng chống dịch nhưng Thỏa không chấp hành, thậm chí còn lăng mạ, chống đối và tấn công cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch.

Ngày 12-8, TAND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phiên xét xử lưu động và tuyên phạt Phạm Văn Vinh, SN 1983, trú tại thị xã Đông Triều, 15 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. Các cơ quan tố tụng xác định, Vinh không chấp hành khai báo y tế theo quy định tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 mà còn to tiếng chửi bới và đấm vào mặt cán bộ trực chốt.

Hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm dịch của các đối tượng đều được HĐXX đánh giá là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của tổ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được pháp luật bảo vệ, làm giảm hiệu lực hoạt động của tổ công tác, gây mất ANTT và an toàn xã hội tại địa phương. Các đối tượng phạm tội vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội thì đều được coi là tình tiết tăng nặng và phần lớn phải nhận án tù giam.

Bị áp dụng tình tiết tăng nặng

Chia sẻ với PV PL&XH, lãnh đạo CA một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đều có chung một đánh giá, nguyên nhân của các vụ việc chống đối lực lượng kiểm soát dịch Covid-19 đều không hề xuất phát từ mâu thuẫn giữa người thi hành công vụ và người chống người thi hành công vụ mà là do các đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật, tỏ thái độ côn đồ, hung hãn với lực lượng chức năng. Tại CQĐT, sau khi được tuyên truyền phổ biến pháp luật, các đối tượng đều thừa nhận việc làm của mình là sai trái và những người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch đã thực hiện đúng chức trách. Các đối tượng đều tỏ ra ăn năn hối lỗi trước việc làm bột phát của mình nhưng đã quá muộn.

Để ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, ngoài việc xây dựng kế hoạch đấu tranh trấn áp tội phạm nói chung và hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng thì cần nâng cao khả năng ứng phó trước các tình huống có thể xảy ra cho lực lượng thi hành nhiệm vụ. Đồng thời phải kịp thời đưa ra truy tố, xét xử và có hình phạt nghiêm khắc cho những đối tượng có hành vì chống đối người thi hành công vụ để làm gương cho kẻ khác.

“Bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp như vậy để mang tính răn đe thì cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục để cho họ hiểu tầm quan trọng của các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, khi xét xử người có hành vi chống đối lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thì cần phải áp dụng các tình tiết tăng nặng để đưa ra mức hình phạt thích đáng”, lãnh đạo CA một quận ở Hà Nội chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, những vụ án chống người thi hành công vụ được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây là bài học cảnh tỉnh đối với những ai không chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để không phải vướng vào vòng lao lý thì người dân cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của lực lượng thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Bởi, nếu bất cứ ai có hành vi chống người thi hành công vụ hoặc các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố hình sự.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các quy định xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ thì các ban, ngành, đoàn thể cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động các gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh;...

Mức phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi TAND các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ theo Khoản 1, Điều 330, BLHS năm 2015 thì người vi phạm có thể tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất đối với người phạm tội này là 7 năm tù.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Pháp luật phải được thượng tôn Kỳ 1: Pháp luật phải được thượng tôn

Theo luật sư, đối với những cá nhân có hành vi chống đối người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cần ...

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.