Xử lý mạnh tay hành vi tấn công lực lượng thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19:

Kỳ 1: Pháp luật phải được thượng tôn

Theo luật sư, đối với những cá nhân có hành vi chống đối người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cần xem xét xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại ở phạt hành chính thì mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Nhiều kiểu chống người thi hành công vụ

Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều trường hợp các cá nhân “thông chốt” kiểm soát dịch Covid-19 bằng cách tấn công các cán bộ đang thực thi công vụ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho những người đang thi hành nhiệm vụ mà còn thể hiện rất rõ bản tính côn đồ của một số các đối tượng, gây mất ANTT và an toàn xã hội.

Vụ việc gần đây nhất khiến dư luận bức xúc xảy ra vào chiều 27-8 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thời điểm này, Nguyễn Văn Hòa, SN 1987, trú tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, điều khiển xe máy chở 1 nam thanh niên từ xã khác về nhà. Khi đi đến chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 cầu Đồng Mô, xã Phú Kim thì bị tổ công tác yêu cầu không được đi qua chốt vì không có giấy tờ tuỳ thân. Hoà chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng nên bị đưa về trụ sở UBND xã Phú Kim.

Đối tượng Nguyễn Văn Hòa tại CQCA.
Đối tượng Nguyễn Văn Hòa tại CQCA.

Tại đây, Hòa tiếp tục có lời nói thách thức, xúc phạm lực lượng chức năng, đồng thời lao vào đấm ông Đặng Trung Hiếu, Phó Trưởng CA xã Phú Kim. Sau đó, đối tượng còn lấy một con dao đâm vào vùng bụng ông Hiếu, may mắn nhát đâm trúng vào dây thắt lưng nên không gây thương tích. Trước thái độ chống đối nguy hiểm, Hoà bị lực lượng CA khống chế. Tuy nhiên, Hoà tiếp tục giãy giụa làm chiếc kéo trên tay đối tượng cắt vào tay của Phó Trưởng CA xã Phú Kim. Ngay sau khi bị khống chế, Hòa đã ăn vạ, nằm ra nền nhà kêu đau và vu khống cho lực lượng CA xã Phú Kim đánh người.

Trước đó, khoảng 18g30 ngày 26-8, tại chốt kiểm soát cổng làng thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội tổ công tác phát hiện Phạm Thanh Tùng, SN 1994, trú tại thôn Giao Tất A không đeo khẩu trang, ra ngoài không lý do chính đáng nên đã yêu cầu Tùng đeo khẩu trang và quay về nhà. Tùng không chấp hành, cố tình đi qua chốt. Lúc này, Trung uý Hồ Việt Anh đã dùng điện thoại cá nhân quay video lại hành vi của Tùng thì bị tấn công.

Cũng trong ngày 16-8, tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh số 1, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, lực lượng phòng, chống dịch đã kiểm tra và yêu cầu Trần Đình Giang, SN 1975, trú xã Chu Minh thực hiện khai báo y tế. Tuy nhiên, đối tượng Giang không chấp hành mà cầm dao đuổi chém anh Nguyễn Công Khoa, Chỉ huy trưởng quân sự xã Chu Minh. Lực lượng chức năng đã phối hợp bắt giữ, đưa Giang về trụ sở làm việc.

Đối tượng Trần Văn Thịnh có hành vi chống đối tại chốt kiểm soát dịch
Đối tượng Trần Văn Thịnh có hành vi chống đối tại chốt kiểm soát dịch

Cũng liên quan đến vụ việc chống đối người thi hành công vụ, khoảng 15g ngày 25-8, tại chốt kiểm dịch Covid-19 trên địa bàn tổ dân phố 2 phường Quang Trung, quận Hà Đông, Trần Văn Thịnh không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy định đi qua chốt. Khi được thành viên chốt kiểm dịch giải thích, yêu cầu đeo khẩu trang, đối tượng Thịnh không chấp hành, có hành vi chửi bới tổ công tác. Đối tượng Thịnh đã có hành vi hành hung Đại úy Lê Nam Cường, cán bộ CA của phường Quang Trung.

Sau khi xảy ra các vụ việc trên, CQCA đều lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ hình sự, đồng thời cùng cố hồ sơ xử lý các đối tượng trên về hành vi chống người thi hành công vụ.

Đủ chế tài để xử lý hình sự

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi tấn công lực lượng phòng, chống dịch nói trên có dấu hiệu cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 330, BLHS năm 2015. Theo đó, người phạm tội “Tội chống người thi hành công vụ” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tỷ lệ thương tích của người bị hành hung, các đối tượng đó còn có thể bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015 với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 6 năm. Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội nói trên, các đối tượng hành hung lực lượng phòng, chống dịch còn phải bồi thường trách nhiệm dân sự theo Điều 590, BLDS năm 2015.

Cũng theo luật sư Nguyên, thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh và trên các tuyến đường giao thông. Đây là những hành vi rất đáng trách, đáng lên án, xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường công tác phòng, chống dịch của một số đối tượng.

“Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự đồng lòng, chung sức của toàn dân. Bởi vậy, việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, các đối tượng này cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật. Và cũng là bài học đắt giá để răn đe kẻ khác”, luật sư Nguyên cho hay.

Nhà báo Trần Quang Khởi, phụ trách truyền hình Người đưa tin, Tạp chí Đời sống & Pháp luật bức xúc: “Dịch Covid-19 bùng phát hết sức phức tạp, các lực lượng phòng, chống dịch đã không quản khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch với mong muốn Thủ đô sớm bình yêu trở lại. Thay vì biết ơn, hỗ trợ thì một số cá nhân lại có hành vi lăng mạ, đe dọa, hành hung họ. Theo tôi, các lực lượng chức năng tham gia chống dịch cần phải nghiêm quân lệnh, kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các hành vi chống đối, coi thường pháp luật này thì mới đủ sức răn đe”.

(Còn nữa)

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.