Nghệ sĩ lên tiếng khi có tên trong danh sách nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19

Một số nghệ sĩ chia sẻ họ không biết việc mình có tên trong danh sách được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. Họ rất cảm kích trước sự quan tâm, động viên của Chính phủ và muốn chia sẻ số tiền ấy cho các đồng nghiệp khó khăn hơn.

Theo quy trình, khi nhận được Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Sở VH&TT Hà Nội gửi công văn đến các Nhà hát trực thuộc Sở để rà soát những người được hưởng theo quy định.

Danh sách nghệ sĩ của 6 nhà hát trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long) được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 gồm 99 người. Họ đều là viên chức hạng IV và thuộc lĩnh vực đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ. Mỗi người được nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng.

Trong danh sách này, Nhà hát Chèo Hà Nội có 21 nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ. Nhà hát Múa rối Thăng Long có 5 người, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long có 11 người, Nhà hát Cải lương Hà Nội có 27 người, Nhà hát Kịch Hà Nội có 23 người đủ điều kiện, còn lại là Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Đáng chú ý là trong danh sách này có một số nghệ sĩ nổi tiếng, quen mặt khán giả truyền hình.

Chia sẻ của nghệ sĩ khi được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
Hồng Đăng là một trong những nghệ sĩ nhận được hỗ trợ lần này. Tuy nhiên, anh xin gửi lại Nhà hát để chia sẻ với những nghệ sĩ khó khăn hơn

Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, sự hỗ trợ kịp thời từ UBND Thành phố, Sở VH&TT Hà Nội là nguồn động lực giúp cuộc sống của những người nghệ sĩ phần nào bớt khó khăn cũng như khích lệ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần để người nghệ sĩ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật Thủ đô.

Ngay sau khi biết thông tin mình được nhận tiền hỗ trợ do dịch, nam diễn viên Hồng Đăng đã lên tiếng về sự việc này. Anh chia sẻ bản thân không biết việc mình có tên trong danh sách nghệ sĩ là viên chức hạng IV của Nhà hát Kịch Hà Nội được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch. Ngay khi nhận được thông tin, anh đã gọi điện cho lãnh đạo Nhà hát thì được biết việc này đúng quy trình.

Nam diễn viên cho rằng, dịch Covid-19 khiến cho tất cả mọi người đều phải đối diện với nhiều khó khăn. Việc anh có tên trong danh sách nhận hỗ trợ của Nhà hát đợt này là nguồn động viên lớn, nhưng anh sẽ dành số tiền hỗ trợ này gửi lại Nhà hát để giúp đỡ những anh chị em đồng nghiệp khó khăn hơn.

Chia sẻ của nghệ sĩ khi được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
Diễn viên Thanh Hương

Thanh Hương cũng chia sẻ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lai, ai cũng khó khăn. Khi có tên trong danh sách nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch, Thanh Hương cũng không hay biết về việc mình có tên trong danh sách. Cô nhận thấy sự quan tâm này của các cấp, ban, ngành là rất nhân văn, là nguồn động viên quý giá cho anh em nghệ sĩ. Tuy nhiên, cô cũng biết có nhiều anh chị em khác khó khăn hơn và bản thân sẵn sàng gửi lại Nhà hát để giúp đỡ các nghệ sĩ khó khăn.

Về phần Ngọc Quỳnh, anh chia sẻ, được biết là diễn viên nổi tiếng nhưng lương anh thực chất thấp nhất cơ quan. Anh cũng kinh doanh thêm và cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch. Khi nhận được gói hỗ trợ anh cảm thấy rất bất ngờ và vui vì nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại, anh cảm thấy mình chưa thật sự quá khó khăn so với nhiều nghệ sĩ khác nên đã đề xuất với cơ quan để gửi sự hỗ trợ này đến những nghệ sĩ khó khăn hơn.

Nghệ sĩ Thiện Tùng cho biết anh rất xúc động khi Chính phủ hỗ trợ các nghệ sĩ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Điều đó thể hiện sự quan tâm, động viên sát sao, một tình cảm rất ám áp của Chính phủ dành cho các nghệ sĩ.

“Tôi nghĩ Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ cho những viên chức hạng IV nghĩa là những viên chức khi tuyển dụng có bằng trung cấp, cao đẳng. Đó là những viên chức có hệ số lương thấp nhất trong lương ngân sách của Nhà nước. Thực sự, khi dịch Covid-19 quay trở lại đã khiến cả đất nước gặp khó khăn chứ không riêng ngành nghề nào. Nhưng ngành nghệ thuật thì 2 năm nay kể từ khi có dịch là gần như không có buổi biểu diễn doanh thu.

Nghệ sĩ nằm trong biên chế Nhà nước đa phần đều sống bằng đồng lương cơ bản theo quy định của Nhà nước, có buổi diễn mới có thêm thu nhập bồi dưỡng đêm diễn, mà số tiền đó cũng rất ít bởi nó phụ thuộc vào việc bán vé doanh thu. Lương thấp, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực cống hiến để phục vụ Nhân dân, vẫn theo đuổi nghề đến cùng”, Thiện Tùng chia sẻ.

Thiên Tùng tiết lộ một số đồng nghiệp của anh tại Nhà hát còn phải đi làm shipper, xe ôm,… trong các đợt dịch, Nhà hát không được biểu diễn. Nam diễn viên chia sẻ về việc cá nhân người khó người không đấy là cuộc sống riêng của mỗi người. Với con số 99 nghệ sĩ thuộc Sở VH&TT Hà Nội được nhận trợ cấp lần này có lẽ rất ít nghệ sĩ có được thu nhập bên ngoài bằng việc đi đóng phim, quảng cáo ...

"Điều đó nghĩa là đa phần họ chỉ sống bằng lương của cơ quan mà thôi. Đấy là sự ổn định mà họ đã lựa chọn gửi gắm cả cuộc đời mình vào đơn vị sự nghiệp có thu của Nhà nước. Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho viên chức hạng IV, Nhà hát cũng không thể gạch tên một ai được vì họ nằm trong tiêu chuẩn viên chức hạng 4 được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ", Thiện Tùng chia sẻ.

Chia sẻ của nghệ sĩ khi được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
Diễn viên Thiện Tùng

NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết theo đúng quy định của Nhà nước thì việc các viên chức hạng IV của Nhà hát được nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 lần này không có gì sai. Bản thân nhiều nghệ sĩ cũng không biết họ có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ lần này. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ xã hội thì rõ ràng, trong số các nghệ sĩ có tên trong danh sách lần này, nhiều người chưa đến nỗi khó khăn quá để phải nhận hỗ trợ.

NSND Trung Hiếu cũng chia sẻ thêm nhiều anh em làm các công việc hậu đài như thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang,… cũng có đời sống khó khăn nhưng lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ. Vì vậy, anh cũng đã có đơn đề xuất với Sở VH&TT Hà Nội để xem xét lại việc hỗ trợ cho đúng đối tượng, đặc biệt là những người làm công tác hậu đài đang rất khó khăn trong lúc này.

NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - cho hay nhà hát anh cũng vừa nhận 11 suất hỗ trợ này. Chuyện một số nghệ sĩ khá giả được nhận trợ cấp, theo anh "không nên đổ lỗi cho nghệ sĩ" vì họ hoàn toàn thụ động hưởng theo chính sách chung.

Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Tấn Minh, anh sẽ đề xuất Bộ VH, TT&DL nên nhanh chóng có điều chỉnh kịp thời để việc hỗ trợ nghệ sĩ lần tới được đúng đối tượng hơn. Tấn Minh mong muốn thay vì áp cứng nhắc cho đối tượng nghệ sĩ viên chức hạng IV thì có thể áp dụng cho những người có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng. Hoặc giao cho tập thể nhà hát tự rà soát, lựa chọn danh sách nghệ sĩ cần hỗ trợ.

Sau đợt hỗ trợ 99 nghệ sĩ thủ đô, Sở VH&TT Hà Nội sẽ xin ý kiến Bộ VH, TT&DL về danh sách 302 nghệ sĩ thuộc các đơn vị công lập trung ương trực thuộc Bộ VH,TT&DL hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam... đã gửi danh sách diễn viên, họa sĩ, đạo diễn nghệ thuật là viên chức hạng IV lên Sở theo hướng dẫn.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.