Nhiều bệnh nhân Covid-19 được cứu sống nhờ hội chẩn trực tuyến

Một trong những thành công về điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam chính là đã cứu sống bệnh nhân số 91 (nam phi công người Anh) một cách thần kỳ bởi có những thời điểm phổi bệnh nhân đông đặc chỉ còn 10%.

Hiệu quả từ hội chẩn trực tuyến

Đó là vào đợt dịch tháng 3-2020, bệnh nhân mang mã số quốc gia 91 (nam phi công người Anh) khi bay chuyến đầu tiên đến TP HCM đã được phát hiện nhiễm Covid-19. Với cơ thể to béo, sau một thời gian ngắn nam phi công này đã nhanh chóng có tiến triển nặng.

Thời điểm đó, để chủ động trong điều trị bệnh nhân Covid-19, Việt Nam đã thành lập Tiểu ban Điều trị gồm nhiều chuyên gia đầu ngành trong các chuyên ngành khác nhau như: Hồi sức tích cực, Hô hấp, Tim mạch… Trước diễn biến nặng của bệnh nhân 91, Tiểu ban điều trị đã liên tục tổ chức các buổi hội chẩn với các chuyên gia của BV Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, BV Nhiệt đới TP HCM… nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Có những thời điểm bệnh nhân tiên lượng không thể qua khỏi với tình trạng hôn mê kéo dài, phổi đông đặc chỉ còn 10%; các chuyên gia đã tính đến phương án ghép phổi…

Một buổi hội chẩn trực tuyến để đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng 				Ảnh T.B
Một buổi hội chẩn trực tuyến để đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh T.B

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực chăm sóc, điều trị của các bác sỹ, điều dưỡng bệnh nhân 91 đã hồi phục thần kỳ. Qua 116 ngày nằm viện với 6 lần được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn quốc gia, bệnh nhân 91 đã được công bố khỏi bệnh và xuất viện trở về quê hương…

Tương tự, cùng thời điểm đó là trường hợp bệnh nhân 19 (ở Hà Nội) cũng có diễn biến nặng, hôn mê, thở máy, phải chạy ECMO; bệnh nhân được tiên lượng nguy kịch… Sau nhiều cuộc hội chẩn quốc gia, bệnh nhân 19 được cứu sống đầy ngoạn mục và được xuất viện đoàn tụ cùng gia đình.

Thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống

Trong các đợt dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương các bệnh nhân nặng tiếp tục được các chuyên gia hội chẩn trực tuyến nhằm đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Nhờ vậy, ở các đợt dịch trước đó số ca tử vong tại nước ta đã được hạn chế ở mức thấp nhất.

Và ở đợt dịch thứ 4 này (kể từ ngày 27-4-2021), với chủng biến thể Delta tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, bệnh nhân mắc nặng hơn thì việc hội chẩn trực tuyến giữa các đơn vị điều trị cũng mang đến kết quả nhất định. Có thể kể đến một số ca bệnh điển hình như tại BV Đa khoa TP Cần Thơ đã cứu sống thành công một sản phụ nhiễm Covid-19.

Đó là vào ngày 11-7-2021, một sản phụ sau khi sinh chưa được nhìn mặt con đã phải đối mặt “tử thần” khi tình trạng khó thở ngày càng tăng dần. Với sự nỗ lực của các bác sỹ, điều dưỡng, sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, X-Quang phổi tổn thương lan toả 2 bên…

Trước tình huống bệnh nhân tiến triển nặng, tình trạng khó thở tăng dần, nói ngắt quãng, Ban GĐ BV Đa khoa TP Cần Thơ đã tiến hành hội chẩn xin cố vấn chuyên môn từ BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và nhiều chuyên khoa như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, huy động lực lượng sẵn sàng hồi sức cấp cứu. Sau khi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thống nhất đưa ra quyết định: hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh…

Thành quả cũng đến, bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục từng ngày: oxi trong máu cải thiện nhanh chóng, tổn thương phổi được cải thiện. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao và đang từng bước hồi phục từng chỉ số. Sau 8 ngày, sản phụ đã có thể gọi điện và nhìn thấy mặt con mình lần đầu tiên.

Hay đó là vào ngày 28-7, lúc 3g sáng BS. Trần Thanh Linh, BV Chợ Rẫy TP HCM (người tham gia cứu sống bệnh nhân 91) đã nhận được cuộc điện thoại từ Phó GĐ BV Nhi Đồng TP HCM nhờ hội chẩn can thiệp ECMO cho trường hợp thai phụ mang thai 31 tuần mắc Covid-19.

Thai phụ này là bác sỹ của BV Nhi đồng TP đang trong tình trạng rất nguy kịch, phải thở máy tại BV Trưng Vương. Ê-kip các bác sĩ Hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy đang phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã nhanh chóng đến BV Trưng Vương phối hợp cùng khoa sản BV Trưng Vương, khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng TP mổ cứu thai và tiến hành đặt ECMO ngay tại phòng mổ cho người mẹ. Sau ca mổ, bé trai nặng 2 kg được đưa về BV Nhi đồng TP tiếp tục theo dõi sức khỏe, người mẹ được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực 2A BV Hồi sức Covid-19. Sau 1 tuần được can thiệp bằng kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu tích cực, bệnh nhân C.N.L.Đ đã được cai máy thở, rút nội khí quản và và cai ECMO thành công.

Mặc dù cho đến thời điểm này chưa có thống kê chính xác về số bệnh nhân Covid-19 nặng được hội chẩn trực tuyến điều trị thành công nhưng thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân Covid-19 nói riêng đã cho thấy những kết quả nhất định.

Liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng Telehealth trong khám chữa bệnh, lễ công bố đã diễn ra kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. Việc kết nối Telehealth tới cơ sở y tế tuyến huyện góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.