Đường về không còn xa của những phạm nhân từng khoác áo chung thân

Kỳ 9: Mong được người thân đón nhận...

Kể từ hôm được giảm án từ tù chung thân xuống án có thời hạn tới nay, trong đầu Vũ Văn Khoa, SN 1977, trú tại Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang, lúc nào cũng nghĩ tới ngày ra trại. Ấp ủ trong đầu những dự định cho ngày trở về, Khoa mong mỏi ngày bước chân ra khỏi cánh cửa trại giam là được vòng tay người thân chào đón.

Chuyến đi làm ăn tưởng không có ngày về

Chúng tôi gọi bước ngoặt khiến Vũ Văn Khoa từ một anh nông dân chân chất, quanh năm ba lô khoác vai đi làm ăn xa trở thành phạm nhân khoác áo tù chung thân là hành trình thiên lý suýt nữa không có ngày về. Khoa bảo bình thường vẫn cảnh giác cao độ, thế mà hôm đó nhìn thấy số tiền công được đưa trước thì đã không thể chối từ.

Theo tài liệu điều tra, ngày 8-11-2008, trên đường chạy xe máy từ Mai Châu, Hòa Bình về nhà ở Bắc Giang, Khoa được một người đàn ông nhờ cầm hộ gói ma túy về bến xe Hà Đông với tiền công là 23 triệu đồng. Người đàn ông này giới thiệu tên là Lam vì có việc đột xuất nên không thể đi được, đã khẩn khoản nhờ Khoa mang hộ. Lam nói số ma túy ấy đã giấu kín trong chiếc mũ bảo hiểm, Khoa chỉ việc đội lên đầu rồi về bến xe khách Hà Đông sẽ có người nhận.

Các phạm nhân Trại giam Vĩnh Quang đang cải tạo lao động
Các phạm nhân Trại giam Vĩnh Quang đang cải tạo lao động

Khoa đồng ý và cho Lam số điện thoại của mình rồi đội chiếc mũ bảo hiểm đó lên đầu, lái xe theo đường QL 6 về Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng 10g45’ phút ngày 8-11-2008, khi anh ta đi đến địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thì bị tổ tuần tra CA tỉnh Hòa Bình qua kiểm tra, phát hiện trong mũ bảo hiểm có gói bột màu trắng nên tiến hành tạm giữ Khoa lại. Qua giám định, gói chất bột màu trắng kể trên là heroin có trọng lượng 1.045,5g (tương đương 3 bánh heroin). Ngay sau đó lệnh bắt giữ Khoa được tiến hành.

Tại CQĐT, Khoa khai mình là người vận chuyển thuê nhưng lại không nói được tên tuổi và địa chỉ thật của người đàn ông tên Lam. Chính vì thế mà trong vụ án này chỉ có mình Khoa phạm tội và với số lượng 3 bánh heroin, Vũ Văn Khoa bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt mức án tù chung thân. “Tòa án xét thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, hai con còn nhỏ lại chưa được hưởng lợi từ việc làm phi pháp nên đã miễn hình phạt bổ sung.

Mong được người than đón nhận

Nhận bản án tù chung thân, ngày 6-10-2009, Vũ Văn Khoa về trại giam Vĩnh Quang cải tạo lao động. Thời điểm đó, anh ta mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đã là ông bố của hai đứa con nhỏ. Khoa bộc bạch: “Tôi và vợ tôi đều là những người lao động tay chân, vì gia cảnh khó khăn nên tôi quyết định bôn ba tứ xứ kiếm tiền để vợ ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cái. Khi sự việc xảy ra cả nhà tôi ai cũng bất ngờ. Mẹ tôi mấy lần khóc ngất tại tòa. Nhìn cảnh bố mẹ, vợ con bìu ríu đến dự phiên tòa, tôi ân hận vô cùng”.

Nhắc đến chuyến đi lần ấy cách đây gần 13 năm, Khoa bảo trước hôm đó khoảng 2 ngày vợ gọi điện thoại bảo chuẩn bị tiền để trả công thợ xây chuồng lợn. Khoa đã hỏi chủ thầu xin được tạm ứng ít tiền nhưng không được. Mặc dù không ứng được tiền nhưng vì sốt ruột việc nhà nên Khoa vẫn xin nghỉ để về quê xem thợ thuyền xây sửa ra sao, dọc đường đi chẳng hiểu nghĩ ngợi thế nào mà anh ta lại tặc lưỡi làm liều.

“Tôi không muốn nhắc lại vì dù thế nào thì lỗi cũng là tại mình. Chỉ thương vợ con tôi ở nhà vất vả. Hơn chục năm nay một mình cô ấy xoay sở vừa nuôi dạy con vừa thỉnh thoảng lên đây thăm chồng cực thân lắm”, Khoa cho biết. Nam phạm nhân này bảo rất ân hận vì việc làm của mình đã làm liên lụy tới gia đình, vợ con nên giờ đây khi đã nhìn thấy cơ hội trở về, chỉ mong sao được người thân đón nhận và tha thứ cho những lỗi lầm đã qua.

Hỏi về cuộc sống trong trại giam, Khoa nói mình là con nhà lao động nên việc gì cũng làm được, không gặp trở ngại nào. Ngoài thời gian lao động ra, Khoa còn tham gia vào các hoạt động khác của trại như viết báo tường, tham gia vào đội bóng đá của phân trại.

Hỏi Khoa đã có dự định gì cho ngày trở về hay chưa, người đàn ông này bảo trước đây đi làm thuê thì sau này trở về cũng vẫn vậy hoặc ở nhà làm ruộng nên dù có dự định gì thì phải chú ý giữ gìn sức khỏe hơn thôi.

“Hai con tôi giờ bắt đầu đến tuổi trưởng thành, tôi là trụ cột gia đình mà chẳng đỡ đần được gì cho vợ con. Cũng may là vợ con tôi đều thông cảm, lần nào nói chuyện cũng động viên tôi cố gắng”, Khoa chia sẻ và cho biết chính sự động viên của người thân đã là động lực để anh ta yên tâm cải tạo và sau lần xuống án này sẽ quyết tâm hơn nữa để năm nào cũng được xét giảm, sớm có ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

(Còn nữa)

Kỳ 8: Nỗi niềm của một “tử tù” được xuống án... Kỳ 8: Nỗi niềm của một “tử tù” được xuống án...

Nguyễn Vũ - Hà My

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.