Vì sao nhiều nhân sự ngành du lịch của Hà Nội khó tiếp cận gói hỗ trợ?!

Gần hai năm qua, ngành du lịch gần như đứng im, mấy tháng gần đây, hầu như tất cả hướng dẫn viên du lịch và nhân sự ngành du lịch nói chung đều không có khoản thu nhập nào.

Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19, từ Điều 31 đến Điều 34 quy định hướng dẫn cụ thể điều kiện, quy trình hỗ trợ đối với nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người, được trả 1 lần cho người lao động.

Vì sao rất nhiều nhân sự ngành du lịch của Hà Nội khó tiếp cận gói trợ cấp
Thời điểm dịch bệnh, những lao động trong lĩnh vực này kỳ vọng nhận được tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ của Chính phủ để có thể tiếp sức nguồn lực duy trì cuộc sống.

Quy định là vậy, nhưng phần lớn trong số họ đều gặp khó khăn khi làm thủ tục để được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Với nhiều người, ngoài thẻ hướng dẫn viên du lịch, họ không có hợp đồng lao động hay thẻ của tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch để đáp ứng đủ các yêu cầu về thủ tục của hồ sơ nhận hỗ trợ.

Đa số hướng dẫn viên du lịch từ trước tới nay đều ký hợp đồng thời vụ, theo từng tour cụ thể. Các tour đó kéo dài vài ngày, hay vài tuần là do đặt hàng của từng Cty lữ hành. Sau kết thúc mỗi tour, thường các hướng dẫn viên sẽ hoàn trả lại toàn bộ giấy tờ, hợp đồng giao kết cho Cty. Bây giờ yêu cầu phải có hợp đồng đó, theo nhiều hướng dẫn viên là rất khó khăn.

Về yêu cầu có thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng không phù hợp vì không phải hướng dẫn viên nào cũng tham gia một tổ chức xã hội nghề nghiệp hay một hiệp hội. Và hơn nữa, việc quản lý hoạt động và điều phối tour là của các Cty du lịch lữ hành chứ không phải của các Hiệp hội.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch đã đồng quan điểm rằng, Nhà nước nên linh động xử lý bởi dịch bệnh là lý do bất khả kháng. Điều kiện để được nhận hỗ trợ chỉ cần thẻ hướng dẫn viên du lịch do Tổng cục Du lịch cấp là đủ.

Đáng lẽ với gói hỗ trợ này, cơ quan quản lý chỉ cần search trên mạng là tổng hợp được tất cả số lượng hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế. Tất cả hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ đều đã có trên mạng với mã QR Code, không cần phải thêm thủ tục phức tạp nào.

Khi xác định được những hướng dẫn viên du lịch có thẻ do Tổng cục Du lịch cấp, cơ quan Nhà nước chỉ cần chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản cho họ. Cách thức này phù hợp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

Một ý kiến khác đề xuất, với những hướng dẫn viên du lịch có thẻ hết hạn chưa đăng lý lại được thì các cơ quan quản lý cũng nên linh hoạt để hỗ trợ phần nào khó khăn cho họ. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thủ tục hành chính cần giảm bớt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tiền hỗ trợ đến với những đối tượng chịu tác động sớm nhất.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện địa bàn TP có khoảng 6000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề theo quy định. Tuy nhiên hết ngày 20-8-2021, Sở mới tiếp nhận khoảng 70 hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Trong đó có 22 hồ sơ (chiếm 1/3) hồ sơ chưa đủ do thiếu thành phần hồ sơ hoặc thiếu hợp đồng lao động chưa đảm bảo theo theo thủ tục đã quy định. Còn nếu có hợp đồng lao động thì hợp đồng cũng phải ký trước ngày 1-1-2021 thì mới bảo đảm theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động.

Được biết, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ VH, TT&DL đề nghị đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ. Đồng thời trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị trợ cấp, Sở vẫn tiếp tục ghi nhận những khó khăn vướng mắc để tổng hợp đề xuất trong các văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người lao động nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng.

Trong thời gian chờ đợi Covid hết hoành hành, du lịch toàn quốc phục hồi trở lại, những lao động trong lĩnh vực này rất kỳ vọng nhận được tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ của Chính phủ để có thể tiếp sức nguồn lực duy trì cuộc sống.

Dù số tiền không lớn nhưng việc hỗ trợ kịp thời sẽ giúp họ có thêm động lực ở lại với nghề khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi. Vấn đề là triển khai làm sao để thực sự đúng, trúng và phù hợp với tình hình thực tế, vì chúng ta đang cần tìm những người khó khăn nhất để hỗ trợ, nếu quá máy móc, cứng nhắc sẽ mất đi ý nghĩa thực sự của chính sách.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.