Cần gỡ ngay việc ách tắc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ giấy đi đường

Điểm qua từ Nam ra Bắc liên quan tới chủ đề “vận tải - cung ứng - xuất nhập khẩu hàng hóa", các doanh nghiệp vận tải, cung ứng, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa vẫn đang gặp muôn trùng khó khăn.

Các doanh nghiệp đi đâu cũng vướng

Đơn cử như vụ việc xe vận chuyển bình oxy đi Sóc Trăng bị kẹt không đi qua được Cần Thơ và nhiều xe chở hàng không đi vào/đi qua được Cần Thơ. Do quy định mới của Cần Thơ về việc lập đội lái xe trong nội đô. Toàn bộ xe vào Cần Thơ phải giao cho đội này lái vào, nhưng hiện không có đủ lực lượng để làm, gây ách tắc tại cửa ngõ, khiến hai ngày nay, các xe đều không vào được Thành phố.

Tại TP HCM, nhiều chốt vẫn yêu cầu giấy đi đường mẫu 2A cho lái xe mặc dù Chủ tịch UBND TP HCM và Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã kí văn bản ghi rõ xe có QR code thì không cần cấp giấy đi đường; nhưng công tác triển khai chưa tốt, chưa nhất quán, nên chốt cứ chặn bắt các xe quay đầu.

Cần gỡ ngay việc ách tắc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ giấy đi đường
Nhân viên các doanh nghiệp xếp hàng ở Sở Công Thương TP HCM để làm các thủ tục giấy tờ

Tại khu vực cảng Cát Lái và cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hàng tiếp tục ùn sau khi TP HCM hạn chế số nhân viên XNK của mỗi Cty được đi lại làm thủ tục. Hầu hết các Cty bị giới hạn "chỉ có 2 nhân viên được cấp giấy đi đường". Cũng như hạn chế số nhân viên của các DN khác được đi lại - không quá 10% - khiến nhiều DN đang vận hành mô hình “1 cung đường 2 điểm đến" phải ngưng hoạt động. Chưa kể, tốc độ xử lý cấp giấy đi đường của Sở Công Thương TP HCM thì vô cùng chậm vì mấy ngày đầu làm thủ tục trực tiếp, đóng dấu lên giấy rồi mới cấp, nên hàng trăm Cty hiện vẫn trong trạng thái “chờ”. Cũng là việc này, Sở GTVT TP HCM đang làm online - cấp mã QR; Ban QL khu CN cũng online, tiến bộ hơn và đỡ rủi ro lây lan dịch bệnh hơn.

Các chốt TP HCM không chấp nhận giấy đi đường do Sở Công thương Bình Dương cấp cho DN Bình Dương để đi vào TP HCM làm thủ tục hàng XNK tại cảng và sân bay. Nói chung, các chốt không chấp nhận giấy đi đường nơi khác cấp cho DN trụ sở tỉnh khác; nên DN Bình Dương, Đồng Nai, Long An...giờ muốn đi cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất làm hàng XNK đang chịu “chết” mấy hôm nay. Vì muốn đi là cần giấy đi đường của Sở Công thương TP HCM, muốn giấy đi đường lại phải tới được Sở Công thương TP HCM để xin... (câu chuyện tương tự phải có giấy đi đường của phường cấp nhưng qua chốt để “lên phường” thì không được của Hà Nội trước đây).

Cần gỡ ngay việc ách tắc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ giấy đi đường
Điểm tập kết trung chuyển và giao nhận hàng hóa tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ

Ở Vũng Tàu, hiện đang yêu cầu test tại chỗ không chấp nhận test PCR hiệu lực 3 ngày như chỉ đạo mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kí, làm vận chuyển hàng hóa liên quan Cảng Cái Mép Thị Vải và các khu công nghiệp tại Vũng Tàu đang rất khó khăn, rất chậm.

Còn tại Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng: Yêu cầu người đi vào địa bàn các tỉnh này, ngoài giấy PCR 72g và 1 số giấy tờ chứng minh nhân thân khác thì phải...tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Hầu hết anh em lái xe các Cty vận tải đều không đáp ứng được yêu cầu này, nên tình trạng hàng hóa XNK qua cảng Hải Phòng và Quảng Ninh lại báo động đỏ.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, xuất khẩu nông sản của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước

Ngày 25-8-2021, các hiệp hội ngành hàng: Gỗ, Cao su, Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Rau quả, Hạt điều, Hồ tiêu, Cà phê - ca cao, Nhựa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Giao thông Vận tải, Công thương, UBND TP HCM, Sở Công thương TP HCM nêu rõ những bất cập và kiến nghị cấp giấy đi đường cho các DN hội viên của các hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP HCM.

Nội dung văn bản nhấn mạnh: Theo công văn 2796/UBND-VX và công văn 2800/UBND-VX ngày 21-8-2021 của UBND TP HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động thời gian từ 6g đến 18g theo số lượng và phạm vị hoạt động giao Sở Công Thương quyết định từng trường hợp cụ thể.

Cần gỡ ngay việc ách tắc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ giấy đi đường
Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung khi mà kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước

Ngày 22-8-2021, Sở Công Thương TP HCM ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23-8-2021 đến ngày 5-9-2021. Theo đó, các doanh nghiệp XNK (DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công thương.

Ngày 24-8-2021, Sở Công Thương TP HCM ban hành Công văn số 3996/SCT-QLCN về việc phân công cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23-8 đến 6-9-2021 trên địa bàn TP HCM. Theo đó, Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp) và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu (thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” nêu tại mục 12 Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX).

Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được.

Theo tổng hợp phản ảnh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội thì các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics (forwarder). “Thiết nghĩ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D nhưng đến hiện tại các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách” – văn bản của các hiệp hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, caosu, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu,... Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung khi mà kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tín đối với các nhà nhập khẩu.

Cần gỡ ngay việc ách tắc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ giấy đi đường
Các hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu

Từ các khó khăn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát đến trụ sở Sở Công thương TP HCM đóng dấu.

Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên hiệp hội có nhu cầu xin cấp giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho Sở Công thương và UBND các cấp. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường. Đối với các doanh nghiệp không phải là hội viên của hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin giấy đi đường tại Sở Công thương và địa phương.

Không "đẻ" thêm các văn bản, giấy phép con; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Để việc lưu thông hàng hóa được thực hiện xuyên suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Duy Đông -Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) kiến nghị, các văn bản chỉ đạo của các địa phương cần thống nhất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Không tạo ra các quy định mang tính chất “hơi vô lý” với lý do phòng chống dịch. Về phía các địa phương, TP Cần Thơ cần cân nhắc bỏ trạm trung chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải đề nghị, phải thống nhất tất cả các hàng hóa hiện nay đều là hàng hóa thiết yếu (trừ hàng cấm) bởi không có sản xuất thì sắp tới khó khăn sẽ rất lớn. Tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy đều là luồng xanh. Các đơn vị, UBND các cấp cần xem xét và thực hiện nghiêm Công văn số 1015 /TTg-CN ngày 25-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29-7-2021 của Văn phòng Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Đồng thời các địa phương cần rà soát lại toàn bộ văn bản của địa phương mình để không trái với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành. Các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của các địa phương, test nhanh và PCR có giá trị như nhau và có giá trị trong 72 giờ, không "đẻ" thêm các văn bản, giấp phép con. Rà soát lại, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, hàng hóa vận chuyển. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái xe. Đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, khi đã có mã QR không cần cấp giấy đi đường. Đồng thời yêu cầu bỏ điểm trung chuyển hàng hóa.

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.