Món nợ ngân hàng mua nhà, mua xe đè nặng vai người lao động

Với nhiều người, món nợ vay ngân hàng để mua nhà, mua xe… hiện đang là gánh nặng của gia đình họ

Đau đầu vì… nợ

Con đầu được 5 tuổi, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc T. (Thanh Xuân, Hà Nội) mới thực sự nghĩ đến chuyện phải sở hữu một căn hộ. Thứ nhất bởi “an cư mới lạc nghiệp”, thứ hai vì con cũng sắp vào lớp 1, cần có một chỗ cố định để còn tập trung lo việc học cho con. Ngắm mãi, anh T. mới chốt được một căn hộ ở Long Biên với giá 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng gom góp mãi cũng chỉ có 400 triệu, vậy là vợ chồng anh bắt buộc phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội và mọi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, khoản thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh T. cũng theo đó mà sụt giảm. Anh T. cho biết khoản tiền trả ngân hàng theo tháng là một áp lực ngày càng thêm nặng.

“Một phần tôi cảm thấy may mắn vì vừa mua được nhà, nhưng áp lực trả tiền vay ngân hàng mỗi tháng lại đè nặng lên vai. Thu nhập của hai vợ chồng giảm mà lại không thể ra ngoài làm thêm như trước, trong khi tiền nhà vẫn phải đóng không thiếu một đồng nào, cũng không hề được chậm. Khó khăn là vậy, nhưng cứ thử muộn 2, 3 ngày so với lịch trả nợ xem, các cuộc điện thoại của ngân hàng sẽ liên tục “nã””, anh T. tâm sự.

Cần thực thi sớm chính sách hỗ trợ gói vay cho khách hàng cá nhân ảnh hưởng do dịch Covid-19
Cần thực thi sớm chính sách hỗ trợ gói vay cho khách hàng cá nhân ảnh hưởng do dịch Covid-19

Không như anh T., anh Đ.T.H (Hà Đông, Hà Nội) vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu mua chiếc xe ô tô để chạy taxi công nghệ. Với lãi suất năm đầu chỉ 7 - 8% thì con số trả nợ của anh cũng không đến nỗi quá nặng. Thế nhưng những năm sau đó, lãi suất tăng lên đến 11 – 12%/năm, số tiền trả gốc vẫn thế, mà lãi lại tăng lên đáng kể. Để có được số tiền trả ngân hàng đều đều hàng tháng, không mấy khi anh H. dám nghỉ làm.

Thế nhưng sau vài đợt giãn cách, xe không chạy có nghĩa tiền cũng không có, trong khi đó lãi suất ngân hàng chỉ tăng, ngày trả nợ cũng không hề giãn cách, anh H. lâm vào thế bí. Khi điện lên hỏi nhân viên tín dụng của ngân hàng, anh được cho biết ngân hàng tạm thời chưa điều chỉnh mức lãi suất cũng như giãn nợ cho khách hàng cá nhân.

Theo anh H., việc trả nợ theo đúng hạn hợp đồng hiện giờ với anh là việc lực bất tòng tâm. “Ai cũng mong có tiền để nhanh chóng kết thúc món nợ. Nhưng ở giai đoạn khó khăn này, ngân hàng cũng nên xem xét để hỗ trợ khách hàng cá nhân gặp khó khăn như chúng tôi. Liệu có thể cho khách hàng ngưng đóng lãi trong thời gian dịch bệnh, món nợ có thể kéo dài thêm thời gian tương ứng với thời gian ngưng đóng” – anh kiến nghị.

Giải tỏa khó khăn

Để giải quyết khó khăn của khách hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính sách đó nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia tài chính cũng như sự mong đợi của người dân đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo các chuyên gia, nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ đầu tiên nên là khách hàng vay tiêu dùng, vì đây là đối tượng yếu thế, hành nghề tự do… Ngân hàng, công ty tài chính có thể hoãn cho họ trả nợ tiền gốc 1 năm, phần tiền lãi có thể giảm một chút nhưng vẫn phải đóng vì ngân hàng còn phải trả lãi vốn huy động. Bởi các chuyên gia cho rằng, để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, người lao động có công ăn việc làm thì phải cần đến 1 năm mới có thể ổn định để tiếp tục trả nợ lãi vay.

Tuy nhiên, để thực sự giải tỏa khó khăn cho người dân, chính sách này cần phải được thực thi càng sớm, càng tốt. Đồng thời cũng nên đưa ra các tiêu chí điều kiện cá nhân nào được cơ cấu, giảm lãi vay, thủ tục đơn giản, tránh tình trạng chính sách một đằng, nhưng khi thực thi lại không hiệu quả do sự kém đồng bộ.

Và trong khi chờ chính sách của Nhà nước, theo các chuyên gia, trước khi vay tiền mua nhà hay mua xe, các khách hàng cá nhân phải cân nhắc kỹ. Theo đó, về nguyên tắc an toàn khi vay ngân hàng mua hoặc đầu tư các tài sản có giá trị lớn như xe ôtô, bất động sản... bên cạnh tiền sẵn có và thu nhập để trả lãi hàng tháng, người mua cần có một khoản quỹ với mục đích dự phòng rủi ro.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết từ nay đến 31-12, đơn vị này giảm tiếp lãi suất tiền vay tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang).

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.