Bạn ơi, sấu đã chín vàng...

Chớm thu, phố Hà thành vẫn đang dùng dằng chia tay mùa hạ để đón những đợt gió heo may se lạnh. Khoảng thời gian này, ta sẽ bắt gặp những gánh hàng rong ăm ắp sấu chín vàng ruộm thấp thoáng trên phố. Sấu chín là một thức quà đi cùng với bao kỷ niệm của những người đã từng sống tại Hà thành.
Sang thu, những trái sấu ửng vàng đung đưa trốn tìm trong vòm lá.
Sang thu, những trái sấu ửng vàng đung đưa trốn tìm trong vòm lá.

Cây sấu thường thay lá vào khoảnh khắc giao mùa xuân sang hạ. Quãng thời gian đó, dạo bước trên phố, ta sẽ được đắm mình trong những cơn mưa lá từ cây trút xuống. Khi những vòm lá vừa khoác chiếc áo mới xanh non là lúc hoa sấu khe khẽ về trên cành. Những chùm hoa màu trắng ngà e ấp lẩn mình trong tán lá xanh mướt, nếu không tinh ý ta sẽ chẳng nhận ra. Chính hạ, những trái sấu non bắt đầu lấp ló trong vòm lá để rồi lớn dần theo từng cơn mưa rào mùa hạ. Từ quả sấu, người Hà Nội chế biến thành những món ăn, đồ uống ngon và lạ với phong vị rất riêng.

Sang thu, những trái sấu ửng vàng đung đưa trốn tìm trong vòm lá. Có những sớm mùa thu, trên đường đi học, tôi và cô bạn thân chợt bật cười khi tranh nhau trái sấu chín rụng trên hè phố. Sấu được trồng trên nhiều con phố tại Hà Nội như Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo... Nhưng, tôi cũng như nhiều thế hệ học trò đều cho rằng, phố Phan Đình Phùng với hàng sấu đôi độc đáo để lại nhiều ấn tượng đặc biệt hơn cả. Sau này, cuộc đời luân lạc khiến chúng tôi xa nhau. Từ nửa vòng trái đất, bạn vẫn nhắn hỏi mỗi khi thu về: “Cậu ơi, Hà Nội đã vào mùa sấu chín chưa?”. Tôi trả lời: “Bạn ơi sấu đã chín vàng” kèm theo bức ảnh chụp đĩa sấu chín dầm muối ớt. Trả lời tôi là icon “khóc một dòng sông” của bạn.

Sấu chín dầm muối ớt là thức quà luôn được nhớ thương trong ký ức nhiều người. Sấu sau khi cạo vỏ, gọt xoáy trôn ốc đến sát hạt, dầm muối, ớt cho thấm. Cắn một miếng, vị ngọt dịu của những trái sấu chín pha chút chua nhẹ quyện cùng muối ớt mặn ngọt, cay cay... Ôi chao, vị giác được đẩy lên cao để rồi mãi nhớ, mãi thương. Có những mùa thu xa xứ, chỉ nhắc đến món sấu chín thôi mà chúng tôi xuýt xoa, ao ước nhớ da diết mùa thu Hà Nội.

Người Hà Nội thường ngâm sấu xanh từ giữa mùa hạ để dành uống dần cho đến tận mùa hạ năm sau. Khi tới mùa sấu chín, các bà các mẹ lại làm món nước sấu để uống luôn. Sấu chín được cạo vỏ, lọc lấy thịt quả, bỏ hạt. Sau đó, ngâm phèn hoặc nước vôi trong để giữ độ giòn cho miếng sấu. Nước đường được đun lên cùng mấy nhánh gừng già đập dập, thả sấu vào, đảo đều rồi bắc ra ngay.

Trong tiết trời hanh hao của mùa thu, nhấp một ngụm nước sấu chín, ta từ từ cảm nhận vị chua chua, ngòn ngọt quyện cùng hương thơm của sấu chín, phảng phất hương gừng già... Tất cả tạo nên một hương vị mùa thu thật khó quên. Sấu chín còn được dùng làm ô mai. Cùng là ô mai nhưng ô mai sấu chín có hương vị khác với ô mai sấu xanh bởi quả mềm hơn và phảng phất hương thơm thanh nhẹ.

Mùa sấu chín tới rồi, vậy mà phố Hà Nội vắng bóng những gánh hàng rong bởi dịch bệnh đang hoành hành. Tôi cứ ngẩn ngơ nhớ bóng dáng những chị hàng rong mang cả mùa thu vàng ruộm trên đôi gánh tảo tần. Tôi thầm nhớ những trái sấu căng mọng giấu mình sau lớp lá vàng trên hè phố. Nhớ hương vị chua cay mặn ngọt đầy quyến rũ của món sấu chín dầm muối ớt năm nào. Mong lắm, được trở lại mùa sấu chín của những ngày tháng cũ.

Vy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.