Thương mại điện tử: Hướng đi đúng để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Cùng với kênh phân phối truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng, các sàn thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản…

Hiệu quả rõ nét

Na Chi Lăng là sản phẩm nổi tiếng của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Theo chia sẻ của ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, tính đến hết tháng 6 năm 2021, diện tích trồng trên địa bàn huyện khoảng 1.999,6 ha, diện tích cho thu quả đạt 1.800 ha, sản lượng trên 18.000 tấn, bao gồm cả na gối vụ. Thu nhập từ sản xuất na đảm bảo đời sống dân sinh cho khoảng 3.500 hộ dân tại 8 xã, thị trấn và các vùng lân cận.

Vụ thu hoạch năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiêu thụ lớn của Na Chi Lăng như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ. Bằng chứng là khi Na Chi Lăng bắt đầu vào mùa, lượng lớn sản lượng bưởi chưa được các thương lái, DN thu mua như mọi năm, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.

Sản phẩm Na Chi Lăng lên sàn thương mại điện tử. ảnh: Văn Biên
Sản phẩm Na Chi Lăng lên sàn thương mại điện tử. ảnh: Văn Biên

Ông Lý Ngọc Bích, thôn Quán Hàng, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cho biết, gia đình ông có hơn 1 ha cây na. Trước đây, khi chưa có dịch thì việc tiêu thụ na rất thuận lợi. Tuy nhiên, hai năm nay việc tiêu thụ gặp nhiều khoa khăn do dịch bệnh. Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ, các hộ trồng na tại địa phương ai cũng lo lắng vì dịch bệnh nên việc tiêu thụ na gặp khó khăn và mong muốn được các cấp quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm Na nói riêng và các nông sản khác của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Trước những khó khăn trên, một trong những giải pháp hữu hiệu là đưa Na Chi Lăng và các nông sản khác của tỉnh Lạng Sơn lên sàn thương mại điện tử. Theo số liệu từ Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ ngày 20-7 đến 20-9, tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 20-9 đến ngày 20-12, tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, TP còn lại.

Theo đó, trước khi triển khai trên diện rộng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở TT&TT chủ trì triển khai thử nghiệm 2 tuần (từ ngày 18-6-2021 đến 2-7-2021) tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Cụ thể, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, DN này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ. Từ kết quả đáng khích lệ sau 2 tuần thử nghiệm, ngày 20-7-2021, tại UBND huyện Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, chính thức đưa sản phẩm Na Chi Lăng triển khai trên diện rộng trên sàn thương mại điện tử. Trước đó, ngày 19-5-2021, vải thiều Thanh Hà đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức thương mại điện tử.

Ngày 28-5, mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.

Kênh tiêu thụ hiệu quả trong bối cảnh Covid-19

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Thực tế qua một số các sàn thương mại điện tử có uy tín, có thể thấy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay đang được chào bán ở những vị trí ưu tiên, cho thấy không khí sôi động của các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử này. Không những vậy, khi được đưa lên sàn, giá của các mặt hàng nông sản ghi nhận có mức giá tốt. Điều đó cho thấy sàn thương mại điện tử đã và đang thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa, giúp giảm tải cho các sản phẩm nông sản khi đang gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu, trong bối cảnh các địa phương bước vào mùa thu hoạch nhiều loại cây ăn quả chính vụ với sản lượng lớn mà dịch Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ hàng hóa gặp khó do xuất khẩu và lưu thông hàng hóa bị hạn chế.

Ông Bùi Huy Hoàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai hợp tác phân phối mặt hàng nông sản ở các địa phương trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart, Lazada theo các hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ tiêu thụ các nông sản, hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên cả nước. “Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các sàn thương mại điện tử lớn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng trên kênh thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và các chương trình hợp tác liên Bộ”, ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, đưa nông sản Việt lên các sàn thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Cục xúc tiến Thương mại cùng các đơn vị phân phối nông sản, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ có thêm đầu ra cho nông sản như: ShopeeFarm của sàn thương mại điện tử Shopee…

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.