BV Nhi Trung ương:

Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe trẻ em từ Dự án Khám, chữa bệnh từ xa

Một bé sơ sinh ở Lào Cai mắc bệnh “vảy da cá” với làn da toàn thân bọc vảy trắng cứng dày, kèm theo những vết nứt sâu gây đau rát đã được đưa đến BV Đa khoa Quang Bình, Hà Giang điều trị. Sau gần 10 ngày, cháu bé đã có tiến triển tốt và được xuất viện trong niềm vui của gia đình.

Hội chẩn cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh “vảy da cá” hiếm gặp

Đó là trường hợp của một bé trai ở huyện Bảo Yên, Lào Cai khi sinh ra toàn thân đã được bao bọc bởi lớp da cứng chắc, ngăn cách bởi các vết nứt sâu. Da vùng quanh mắt bị kéo căng khiến mí mắt đảo ngược ra ngoài, không nhìn thấy nhãn cầu và vành tai 2 bên. Trẻ không bú được, phản xạ sơ sinh yếu. Các ngón tay, ngón chân sưng cứng, dính nhau.

Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh rối loạn da di truyền Harlequin Ichthyosis và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, Hà Giang để theo dõi. Trẻ được nằm lồng ấp, tiến hành thở oxy và bơm sữa qua đường miệng.

Sau đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình đã “cầu cứu” các bác sỹ tại BV Nhi Trung ương hội chẩn để tìm hướng điều trị tốt nhất cho cháu bé. Chiều 14-10-2020, tại đầu cầu BV Nhi Trung ương buổi hội chẩn trực tuyến đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực: Sơ sinh, Da liễu, Miễn dịch – Dị ứng, Tai Mũi Họng, Mắt, Nội tiết-Chuyển hóa Di truyền, Di truyền Sinh học phân tử được nối với BV Đa khoa Quang Bình.

Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ tối đa về chuyên môn cũng như hỗ trợ thuốc, vật tư y tế cần thiết của BV Nhi Trung ương, sau 8 ngày điều trị sức khỏe bé đã có những tiến triển tốt, như: có thể tự thở; bú tốt; tiêu hóa tốt; các vảy trên da không còn nứt nẻ, chảy máu và mọc da mới… Cháu bé đủ điều kiện xuất viện trong niềm vui của gia đình.

Tương tự, tháng 12-2020 một bé trai ở BV Sản Nhi Quảng Ninh bị suy hô hấp nặng, viêm phế quản phổi. Dù đã được các bác sỹ tích cực chăm sóc điều trị nhưng tình trạng sức khỏe vẫn diễn biến xấu đi nhanh chóng, tiên lượng tử vong cao.

Trước tình hình đó, cuộc hội chẩn trực tuyến với BV Nhi Trung ương được thực hiện. Một ê-kip bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Ngoại, Ngoại tim mạch cùng các trang thiết xuống tận nơi cấp cứu cháu bé bằng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo). Sau khi trở lại BV, các bác sĩ trong ê-kip tiếp tục phối hợp với các bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của cháu bé. Nhờ vậy, sau 1 tuần sức khỏe cháu bé đã tiến triển khả quan, bé cai được ECMO và dần hồi phục.

Đây chỉ là một trong những trường hợp nặng được cứu sống nhờ hội chẩn khám chữa bệnh từ xa do BV Nhi Trung ương thực hiện trong thời gian qua. Kể từ khi khai trương (tháng 9-2020) đến tháng 3-2021 Dự án Khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Nhi Trung ương đã trở thành một hoạt động thường quy tại Bệnh viện. Tính đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối được 174 điểm cầu; thực hiện hội chẩn liên viện, liên chuyên khoa cho hơn 100 trường hợp bệnh nhân nặng.

Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe trẻ em từ Dự án Khám, chữa bệnh từ xa
Buổi hội chẩn giữa BV Nhi Trung ương với BV Đa khoa Quang Bình về trường hợp bé sơ sinh bị mắc bệnh vảy da cá hiếm gặp (ảnh K.C)

Hỗ trợ tuyến dưới điều trị nhiều ca bệnh nặng, phức tạp

Thời gian qua, Trung tâm điều hành tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa của BV Nhi Trung ương (VNCH Telehealth), các bác sĩ kết nối một số điểm cầu để tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán và hướng điều trị cho các ca bệnh.

Có thể kể đến những trường hợp được hội chẩn như: Ca bệnh nhiễm khuẩn huyết và ca bệnh viêm mô tế bào/Suy đa tạng (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới); Ca bệnh suy thận cấp (BV Đa khoa Hải Dương); Ca bệnh suy hô hấp/Theo dõi viêm phổi hoại tử (BV Sản-Nhi Ninh Bình); Ca bệnh u não tái phát sau phẫu thuật (BV Đa khoa Hùng Vương – Phú Thọ); Ca bệnh viêm phế quản phổi/Theo dõi u nguyên bào thần kinh (BV Sản - Nhi Nghệ An)...

Trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (ở Ninh Bình) bị suy ho hấp được đưa vào BV Sản-Nhi Ninh Bình với chẩn đoán viêm màng phổi/Theo dõi viêm phổi hoại tử. Tuy đã được xử trí, đặt dẫn lưu màng phổi, thở máy nhưng trẻ vẫn sốt cao liên tục, tình trạng tiến triển chậm. Qua hội chẩn từ xa ngày 25-2 với các BS BV Nhi Trung ương các BS đã đánh giá tình hình, đưa ra hướng xử lý và chuyển cháu bé đến thực hiện ca mổ tại BV Nhi Trung ương sau khi xem xét, đánh giá tình trạng trẻ đáp ứng được tiêu chuẩn vận chuyển an toàn.

Một trường hợp khác là cháu bé 6 ngày tuổi ở BV Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vào viện trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Qua xét nghiệm, nuôi cấy dịch mủ các BS xác định được vi khuẩn gây bệnh chính là Burkholderia Pseudomalei (bệnh Whitmore).

Trẻ được hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại BV Nhi Trung ương. Nhờ có hướng dẫn theo dõi, liệu trình điều trị kháng sinh cho người mắc bệnh Whitmore mà tre đã được điều trị ổn định, kết thúc giai đoạn tấn công và được ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú.

Theo PGS-TS. Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương: BV Nhi Trung ương là BV tuyến đầu trong lĩnh vực Nhi khoa của cả nước. Bên cạnh việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, BV còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác là hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới.

Dự án Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu để hướng tới “mục tiêu kép” này. Thông qua các buổi hội chẩn từ những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm của BV Nhi Trung ương, nhiều ca bệnh nặng không phải chuyển tuyến nhưng vẫn được điều trị thành công. Telehealth cũng từng bước nâng cao trình độ khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh...

BV Nhi Trung ương sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chuyên môn với các đồng nghiệp tuyến dưới vì mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe trẻ em. Chương trình này lợi ích đầu tiên là cho người bệnh được chẩn đoán và xử trí kịp thời dựa trên kiến thức, kỹ năng và thái độ của cả bác sĩ tuyến dưới và tuyến trên.

Mỗi ca bệnh thực sự là buổi học lâm sàng phân tích ca bệnh cụ thể, trong điều kiện cụ thể của tuyến dưới. Điều này giúp cho các bác sĩ tuyến dưới nâng cao được kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và đặc biệt là thái độ xử trí phù hợp với tình trạng bệnh, đồng thời giúp bác sĩ tuyến trên nhận được những phản hồi tích cực từ đồng nghiệp, chia sẻ được những điều kiện khó khăn của tuyến dưới.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, chương trình Telehealth lại càng phát huy hiệu quả khi vẫn đảm bảo được yêu cầu giãn cách xã hội.

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.