Vì sao NSƯT Quốc Trụ gắn bó với nghề giáo thay vì ca sĩ dù là giọng ca opera hàng đầu Việt Nam?

Là một trong những giọng ca opera hàng đầu của Việt Nam nhưng NSƯT Quốc Trụ lại lựa chọn gắn bó với nghề giáo thay vì nghề ca sĩ.

NSƯT Quốc Trụ từng chia sẻ khi đứng trên sân khấu, ông cảm thấy dạt dào cảm xúc, khát vọng biểu diễn lại tràn về mãnh liệt. Sở dĩ nói ông “khát vọng biểu diễn” bởi ông dấn thân vào con đường nghệ thuật với ước mơ trở thành nghệ sĩ biểu diễn.

Là giọng ca opera đầu tiên của Việt Nam, sở hữu chất giọng thiên phú cùng ngoại hình và tình yêu sâu sắc với âm nhạc, NSƯT Quốc Trụ đã từng được giới chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt khi ông thể hiện giọng hát trong các vở nhạc kịch kinh điển.

Vì sao NSƯT Quốc Trụ gắn bó với nghề giáo thay vì ca sĩ dù là giọng ca opera hàng đầu Việt Nam?
NSƯT Quốc Trụ (giữa) biểu diễn cùng học trò trong một chương trình âm nhạc

Thế nhưng, sau 7 năm du học về Thanh nhạc tại Bulgaria, ông trở về nước và lựa chọn chuyển sang làm công tác giảng dạy. NSƯT Quốc Trụ chính là người sáng lập ra Khoa Thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM từ năm 1976 và giữ chức Trưởng khoa lâu nhất (từ năm 1976 đến 2001).

Là người thầy giảng dạy bộ môn Thanh nhạc, NSƯT Quốc Trụ đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò về kỹ thuật Thanh nhạc và cả tình yêu, đam mê với âm nhạc để khi đứng trên sân khấu, họ sẽ thổi hồn vào từng bài hát, giúp khán giả có những giây phút thưởng thức trọn vẹn nhất.

Chia sẻ lý do lựa chọn gắn bó với nghề giáo thay vì nghề ca sĩ, NSƯT Quốc Trụ cho biết: “Có người nói tôi tại sao không chọn làm một ca sĩ. Nhưng tôi không hối hận bởi khi làm thầy, tôi đã làm tốt công tác đào tạo để được trao truyền kiến thức cho học trò mình để thay mình, biến ước mơ được đứng trên sân khấu hát thật hay".

Trong số những học trò của ông có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Thanh Thúy, NSND Tạ Minh Tâm, Mỹ Tâm, Cao Minh, Nam Khánh, Hiền Thục cho tới những thạc sĩ thanh nhạc như: Khánh Trang, Ngọc Thúy, Ngô Công Lâm,… Nhiều học trò của ông còn là 2 thế hệ (bố - con, mẹ - con) trong một gia đình. Cũng có nhiều người đảm nhận vai trò giảng viên thanh nhạc của các trường nghệ thuật trong nước.

Lần hiếm hoi NSƯT Quốc Trụ lên sân khấu biểu diễn là vào năm 2015 khi ông 75 tuổi. Nhạc Viện TPHCM đã tổ chức đêm nhạc "NSƯT Quốc Trụ - Hơn nửa thế kỷ biểu diễn và giảng dạy". Ông đã cùng các học trò tài năng của mình hòa giọng trên sân khấu.

Tại chương trình, ông cũng gửi tặng khán giả những tác phẩm opera kinh điển như "Aria Fiesco" - trích ca kịch "Simona Boccanegra" của nhà soạn nhạc J. Verdi; "Chiều hải cảng" - tác giả Salaview Xedoi; "Hò kéo thuyền trên sông Volga" - cải biên dân ca Nga… Dù tuổi cao nhưng giọng hát của ông vẫn rất khỏe và hoàn toàn chinh phục khán giả.

Trong đêm diễn kỷ niệm này, NSƯT Quốc Trụ đã tâm sự: ““Đêm nay là thời khắc tôi cảm thấy sung sướng, rất sung sướng, sung sướng nhất cuộc đời. Phần thưởng cao quý của tôi không phải là hào quang của nghề mà chính là những người học trò này”.

Nhận được tin người thầy của mình qua đời đêm 14-8, Mỹ Tâm đã có những chia sẻ trên trang cá nhân: "Con xin kính tiễn biệt thầy yêu quý của con. Con cám ơn thầy đã dưỡng dạy con hơn 20 năm qua từ lúc con mới vào đời, vào nghề để được trưởng thành như hôm nay. Con xin lỗi vì có lúc nào đó làm thầy buồn, thầy tha lỗi cho con nha. Nghe tin thầy ra đi lúc này lòng con buồn quá… Con chỉ cầu mong thầy được thảnh thơi an nghỉ. Hình ảnh thầy Quốc Trụ với nụ cười hiền lành ấm áp từ ngày đầu tiên con bước vào Nhạc Viện sẽ luôn mãi bên con. Cho con gọi là bố lần nữa… Con thương nhớ bố nhiều lắm".

Vì sao NSƯT Quốc Trụ gắn bó với nghề giáo thay vì ca sĩ dù là giọng ca opera hàng đầu Việt Nam?
Mỹ Tâm và người thầy tận tâm của mình

Ngoài vai trò người thầy, NSƯT Đào Quốc Trụ còn được nhiều nghệ sĩ gọi là bố, trong đó có ca sĩ Mỹ Tâm. Ông cũng từng chia sẻ kỷ niệm về Mỹ Tâm - cô học trò nhỏ của mình: "Mỹ Tâm thì tôi quý, nó coi tôi như bố. Ngày lễ, Tết hay sinh nhật tôi nó đều có mặt. Nó bận rộn đấy nhưng nếu ở Mỹ thì nó cũng gọi điện về".

Trong một chương trình, nói về người thầy tận tụy của mình, Mỹ Tâm chia sẻ: "Bài học đầu tiên mà thầy dạy Tâm đó là thầy không dạy hát hay luyện thanh. Mà thầy nói rằng, em là học sinh thì phải có đạo đức trong nghề. Sau khi mà thầy nói vậy thì Tâm thấy thầy rất quý giá".

Sự ra đi của NSƯT Quốc Trụ là một tổn thất to lớn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các học trò và khán giả. Hình ảnh người thầy tận tâm với nụ cười hiền từ, ấm áp và những bài giảng ý nghĩa, nhân văn về nghề, về đời sẽ sống mãi trong trái tim những học trò thân yêu của ông.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.