Đảm bảo cung ứng hàng hoá trong mọi tình huống

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các phương án bảo đảm nguồn cung của các địa phương và phương án tổng thể của Bộ Công Thương sẽ luôn được cập nhật để góp phần bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết.

Theo khảo sát của phóng viên, sau gần 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, giá thực phẩm tại Hà Nội có xu hướng tăng hơn so với trước, tuy nhiên mức tăng không nhiều.

Tại chợ Văn La, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội, một số thực phẩm đã tăng giá, cụ thể, giá thịt lợn cách đây 3 tuần là 140.000 – 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ, nhưng nay đã tăng lên 155.000 - 160.000 đồng/kg.

Thịt bò trước khi giãn cách có giá 250.000 đồng/kg thịt thăn, nay có giá 280.000 đồng/kg, dẻ sườn có giá 170.000 đồng/kg đã tăng lên 210.000 đồng/kg…

Tương tự, nhiều loại rau cũng tăng giá. Cụ thể, bí xanh trước đây khoảng 15.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, cao điểm có lúc tăng lên tới 30.000 đồng/kg. Rau muống, rau dền, mùng tơi từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg.

Hàng hóa trên kệ trong các trung tâm thương mại vẫn dồi dào đảm bảo phục vụ người tiêu dung.(ảnh: Văn Biên)
Hàng hóa trên kệ trong các trung tâm thương mại vẫn dồi dào đảm bảo phục vụ người tiêu dung. (ảnh: Văn Biên)

Cùng với đó, các loại cá, gà cũng tăng hơn so với trước, cá trắm cắt khúc to trước đây 80.000 – 90.000 đồng/kg thì nay đã 100.000 đồng/kg, gà ta nguyên lông trước dịch giá 130.000 đồng/kg thì nay tăng lên 140.000 đồng/kg.

Tại chợ Bông Đỏ, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, trước giãn cách, trứng gà ta thường giá 3.500 đồng/quả nay tăng lên 5.000-6.000 đồng/quả.

Theo các tiểu thương, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test COVID-19 cùng các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến chợ bán lẻ.

Chị Lan, tiểu thương bán tôm tươi tại chợ Văn La cho biết, giá tôm lên cao hơn so với thời điểm trước nhưng số lượng ít, có hôm chị không lấy được hàng để bán. Tôm nhỏ thời điểm trước có giá 150.000 đồng/kg đã tăng thêm 20.000 đồng/kg, loại tôm nhỡ thì tăng thêm 30.000 đồng/kg. “Giá tôm lên cao nên không bán được nhiều vì người dân chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác rẻ hơn”, chị Lan cho hay.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ, sáng nay tôi đi chợ chỉ mua vài kg rau muống, mùng tơi, bí xanh, cùng 1 kg thịt lơn… mà hết hơn 500 nghìn đồng. Giá cả các mặt hàng đều tăng hơn trước. Các loại rau xanh tăng trung bình 5000 đồng/kg, thịt lợn, bò tăng khoảng 10.000 đến 20.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp một số khó khăn do vướng mắc trong khâu lưu thông phân phối hàng hóa, đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam.

Bên cạnh đó, do tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19, tại thị trường trong nước vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, nhất là khi các địa phương bắt đầu công bố việc thực hiện Chỉ thị 16 dẫn tới chuyện gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương và chủ yếu nhu cầu tăng rất mạnh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Tuy nhiên, sau đó, hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường ổn định và sức mua cũng dần trở lại như những ngày bình thường. Giá cả hàng hóa thực phẩm tuy có biến động tăng tại các chợ trong giai đoạn đầu khi cầu tăng mạnh, nhưng sau đó cũng đã quay trở lại bình thường.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, một trong những vấn đề cấp thiết quan trọng là làm sao đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là trong những trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn.

“Bộ Công thương đã có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống. Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước để rà soát, cập nhật các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu theo sát diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó, chú trọng vào mặt hàng lương thực thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước diễn biến mới của dịch COVID-19”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ông Trần Duy Đông cũng cho biết, Bộ Công thương đã đề nghị các hệ thống phân phối lớn có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang và căn cứ vào điều kiện cụ thể nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển hàng khi có yêu cầu và kịp thời cho khu vực bị cách ly…

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.