Hồi hương tránh dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong những ngày qua, nhiều người dân cư trú tại các tỉnh thành phía Nam như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương,… ồ ạt về quê tránh dịch giữa thời điểm các địa phương này đang thực hiện “giãn cách xã hội”.

Nhìn dòng người di chuyển bằng phương tiện xe máy, hình ảnh những em bé ngồi lọt thỏm giữa lòng bố mẹ vây quanh lỉnh kỉnh đồ đạc, hình ảnh hàng chục người nằm ngủ nơi màn trời chiếu đất về quê hương đăng tải trên báo chí, trên mạng xã hội khiến người xem không khỏi xót xa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã có nhiều bình luận cho rằng, chính việc để người dân tự ý rời khỏi nơi cư trú là một phần nguyên nhân F0 gia tăng trong cộng đồng. Đó không chỉ là một “lỗ hổng” trong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện,…về phòng chống dịch Covid-19 khi người dân trở về từ địa phương đang thực hiện “giãn cách xã hội”. Đó còn là sự chậm trễ của các cấp chính quyền, sự lúng túng, bị động trong việc kiểm soát hàng nghìn số lượng người dân di chuyển tự phát bằng xe máy.

Một băn khoăn khác, trong khi quy định phòng, chống dịch đường hàng không khá khắt khe, người dân đi từ vùng dịch sẽ phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế thì đối với đường bộ lại “bỏ ngỏ”. Hàng nghìn người dân tự ý di chuyển bằng phương tiện xe máy trở về địa phương, họ chỉ có duy nhất “giấy thông hành” là giấy xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19. Trong khi chính việc tự phát mới thực sự tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cộng đồng.

Thiết nghĩ, với phương châm “ai ở đâu, ở yên đấy”, người dân nên có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời về an sinh xã hội, lương thực thực phẩm. Như vậy, tình hình dịch bệnh mới sớm được kiểm soát tốt, cuộc sống sớm trở về trạng thái bình thường mới.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.