Hà Nội đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hoá dù một số chợ và siêu thị phải đóng cửa

Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, đến nay trên địa bàn Thành phố có 8216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn Thành phố để phục vụ Nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Để đảm bảo nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ Nhân dân trên địa bàn (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường); đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng TMĐT, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....); một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.

Hà Nội đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hoá dù một số chợ và siêu thị phải đóng cửa
TP Hà Nội đảm bảo đáp ứng đủ hàng hoá phục vụ nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho Thành phố.

Hiện nay, các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán như: hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công thương cũng đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng Phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19 trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất…đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp Thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, dãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động

Qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nên Thành phố Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân: trong hai ngày đầu thực hiện giãn cách sức mua tăng bình quân tại các hệ thống phân phối khoảng 30% so với ngày bình thường, nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đến ngày thứ ba trở đi hoạt động mua sắm trở lại bình thường cho đến nay, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.

Tính đến nay trên địa bàn Thành phố có 8216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn Thành phố để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội: đi mua hàng đúng ngày, khi đi mua sắm như thực hiện 5K, xếp hàng giãn cách 2m cả trong và ngoài nơi mua sắm, khuyến khích hạn chế không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc giữa người mua và người bán.

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.