Hà Nội: Nâng cao thứ hạng Chỉ số thương mại điện tử

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2436/UBND-KT về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số thương mại điện tử Hà Nội.
Hà Nội: Nâng cao thứ hạng Chỉ số thương mại điện tử
Hà Nội triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nâng cao thứ hạng Chỉ số thương mại điện tử.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của thành phố, Sở Công Thương Hà Nội (đầu mối chủ trì) tham mưu UBND thành phố tổ chức các hoạt động đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp thương mại điện tử để kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn với những chủ đề chuyên sâu về kỹ năng bán hàng qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm phát huy tối đa lợi ích của hình thức bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Kết nối, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo)…

Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, tăng cường cập nhật thông tin hàng hóa lên website bán hàng, tăng tỷ lệ nhận đơn đặt hàng qua website và email của doanh nghiệp (nâng tỷ lệ doanh nghiệp có website từ 42% lên 70%; nâng tỷ lệ cập nhật thông tin trên website từ 21% lên 50%...).

Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường. Tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ logistics điện tử. Tuyên truyền, hương dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh các hình thức nhận đơn đặt hàng trên các công cụ trực tuyến như: email, website, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiên hành đặt hàng (mua sỉ B2B) với các đối tác trên các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn về lợi ích của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các phóng sự, bài viết trên báo, đài truyền hình đến người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng theo hưóng văn minh, hiện đại.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử.

Ngoài giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ trên, UBND thành phố đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động thương mại điện tử; xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyên cạnh tranh, phát triển. Chủ động cập nhật các công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, kết nối khách hàng, bán hàng đa kênh.

Ưu tiên sử dụng các hình thức, công cụ thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại các địa điểm bán hàng và trên môi trường mạng. Thực hiện chính sách ưu đãi bán hàng đối với trường hợp người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt…

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.