Hoà giải viên “giảm tải” hiệu quả cho chính quyền cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp

Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Chính việc phát huy rất hiệu quả vai trò của các tổ hòa giải, thường xuyên tập huấn về các chính sách pháp luật, nhấn mạnh vào pháp luật về đất đai đã khiến nhiều chính quyền cơ sở các phường xã “giảm tải” rất nhiều khi giải quyết hình thức tranh chấp này. Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là một trong những nơi như vậy.

Vai trò của hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai

Theo ý kiến từ nhiều cơ sở thì ở các cụm dân cư, tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai chiếm đa số các vụ việc phát sinh mâu thuẫn. Trong đó, hòa giải được xem là phương pháp ôn hòa nhằm hạn chế một cách tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trên thực tế.

Nhìn chung, một khi tranh chấp đất đai đã xảy ra thì việc giải quyết tranh chấp được xem là yêu cầu tất yếu. Giải quyết tranh chấp đất đai nhằm giải quyết các xung đột, mâu thuẫn và hướng đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan, giúp các quan hệ đất đai từ trạng thái mâu thuẫn sang trạng thái đồng thuận hoặc buộc đồng thuận.

Hoà giải viên “giảm tải” hiệu quả cho chính quyền cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp
Xóm làng bình yên tại các cụm dân cư của xã Văn Đức có sự đóng góp không nhỏ của các tổ hòa giải cơ sở. Ảnh tư liệu

Vai trò của hòa giải chính là thuyết phục và thỏa thuận dựa trên ý chí của các chủ thể tranh chấp có sự tham gia của chủ thể trung gian với tư cách là hòa giải viên. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp khá phổ biến trong các phương thức giải quyết tranh chấp thông thường. Và nếu hòa giải thành, thực tế sẽ giảm áp lực cho chính quyền địa phương rất nhiều.

Bản chất của tranh chấp đất đai là kéo dài, nếu không có sự chung tay của các tổ hòa giải cơ sở, diễn biến các vụ tranh chấp có thể gây lãng phí, mỏi mệt cho nhiều bên liên quan.

Cần nâng cao vai trò tập huấn thường xuyên cho các tổ hòa giải

Theo chia sẻ của ông Đinh Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội thì vai trò hòa giải của các tổ hòa giải cơ sở rất quan trọng.

Đối với xã Văn Đức đây là địa bàn cách xa trung tâm TP Hà Nội và huyện Gia lâm, có 8.100 nhân khẩu chia làm 5 thôn, 1 cụm dân cư bến đò. 5 tổ hòa giải ở 5 thôn hoạt động rất hiệu quả. Hàng tháng, Ban lãnh đạo xã đều họp giao ban với các tổ hòa giải một lần, để nắm bắt tình hình từng thôn.

“Đặc biệt là hiện nay, mâu thuẫn về giải quyết các vấn đề đất đai tương đối nhiều. Vì thế, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các tổ hòa giải, các hòa giải viên, nắm bắt tư tưởng, của từng thôn xóm, cụm dân cư, gia đình, để giải quyết ngay mâu thuẫn từ lúc mới phát sinh” – Ông Đinh Văn Yên cho biết.

Để nâng cao vai trò nghiệp vụ cho các tổ hòa giải, hàng năm, xã tổ chức 2 lần tập huấn cho các hòa giải viên để giúp họ nắm bắt về pháp luật và kỹ năng hòa giải cơ sở. “Vì thế mà rất nhiều năm nay, đối với đơn từ, kiện cáo vượt cấp ở xã gần như không có, bởi công tác hòa giải cơ sở đã làm tốt” – Ông Đinh Văn Yên nói.

Ông Đinh Văn Yên cũng chia sẻ: Các tổ hòa giải trước tiên phải được tập huấn để các bác năm bắt được về pháp luật. Làm hòa giải cần tình và lý, nhưng pháp luật phải nắm vững. Ví dụ hòa giải về đất đai thì phải hiểu biết hết các quy định về Luật đất đai, hoặc là luật tố tụng dân sự về thừa kế. Cán bộ xã phải hướng dẫn cho hòa giải viên, từ đó mới có thể giải thích cho công dân được.

Hoà giải viên “giảm tải” hiệu quả cho chính quyền cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp
Ông Đinh Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho biết, hàng tháng, ban lãnh đạo xã đều họp giao ban với các tổ hòa giải một lần, để nắm bắt tình hình từng thôn. Ảnh: Hà An.

Trên cơ sở nắm bắt tư tưởng của nhân dân, đánh giá mức độ hiểu biết pháp luật đến đâu để phân tích giải thích cho họ hiểu. Nhưng hòa giải muốn thành thì trên căn cứ pháp luật còn phải gắn vào đó những vấn đề về văn hóa gia đình, phong tục tập quán, quê hương.

Đánh giá về việc nâng cao vai trò của các tổ hòa giải trên địa bàn xã Văn Đức, ông Đinh Văn Yên nói: Để hoạt động hòa giải có hiệu quả rất tốt, cách thức tổ chức của địa phương rất quan trọng. Bên cạnh đó khâu động viên của chính quyền đối với các tổ hòa giải cũng cần được quan tâm hơn. Chia sẻ với tâm huyết của các tổ hòa giải nhưng chưa có những nguồn trợ cấp thường xuyên, UBND Xã Văn Đức luôn cố gắng có những hỗ trợ (dù không nhiều) đến các hòa giải viên như tặng quà tết, các dịp kỷ niệm quan trọng.

“Đây thực chất là những việc mang tính chất động viên cho các bác. Các tổ hòa giải trong xã giảm tải rất nhiều cho các cơ quan nhà nước, vì tổ hòa giải thực chất phải làm rất nhiều việc, nắm bắt rất tốt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình, từng cụm dân cư, vì thế, đẩy mạnh công tác hòa giải cơ sở là việc phải quan tâm đúng mực, thường xuyên” - ông Đinh Văn Yên cho biết.

Làm hòa giải mà không thể giảm mức độ “căng thẳng” thì không thể thành công Làm hòa giải mà không thể giảm mức độ “căng thẳng” thì không thể thành công

10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Trịnh Văn Đường, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trung Quan 3, xã Văn ...

Hà An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.