Thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng".
Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện.
Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện.

Theo đó, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số giường bệnh hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm là từ 200-3.000 giường.

Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 - 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM 300 giường.

Riêng các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.

Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp.

Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca mắc mới trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100.000 ca.

Sự xuất hiện biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Bộ Y tế khẳng định việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng là cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.