Siết quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Lấy ý kiến DN dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định: Không thể phủ nhận, kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực rất nóng. Gần đây, trên các diễn đàn truyền thông luôn đề cập tới những vụ việc vi phạm hoặc có nguy cơ tác động gây bất ổn xã hội đều có liên quan tới hoạt động kinh doanh đa cấp của một số tổ chức và cá nhân. Do đó, cần thiết phải lập tức xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn; đồng thời, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải không phát sinh hay tạo ra quá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN.

Các đại biểu cho rằng Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tính khả thi, giải pháp quản lý việc ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp
Các đại biểu cho rằng Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tính khả thi, giải pháp quản lý việc ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp

Về phía cơ quan soạn thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 năm gần đây, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19, nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2018 tới nay, doanh thu của các DN kinh doanh đa cấp tăng trung bình khoảng 25%/năm. Năm 2020, doanh thu của ngành này 15389 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với doanh thu ở thời điểm năm 2017. Thực tiễn quản lý các DN kinh doanh đa cấp vẫn bộc lộ một số khe hở trong khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép... Nhiều DN nước ngoài dù không được cấp phép vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, lôi kéo mạng lưới kinh doanh đa cấp của các DN đã được cấp phép hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh của lĩnh vực này.

Đồng tình với kết luận của đại diện quản lý Nhà nước, Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam cũng cho biết, có 6 nhóm vấn đề lớn được các hội viên hiệp hội rất quan tâm, đó là quy định mới về bảo trợ quốc tế; yêu cầu hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%; điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; điều kiện vận hành hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp và đề xuất áp dụng hợp đồng điện tử dành cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Ông Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam góp ý: “Điện tử hóa các văn bản giấy là một phần quan trọng của Chính phủ điện tử. Hợp đồng điện tử cũng đã được áp dụng trong một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như bảo hiểm, giao thông (đối với khối dân doanh) hoặc điện lực (đối với khối quốc doanh) các lĩnh vực đòi hỏi tính bảo mật và xác thực cao cũng như có tác động lớn đối với xã hội. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng hợp đồng bán hàng đa cấp điện tử để tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí cho DN”.

Trên góc độ chuyên gia, PGS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo Nghị định 40 hiện chưa đề cập tới vấn đề công nhận hợp đồng điện tử trong khi giờ là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho tiến trình phát triển. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tính khả thi, giải pháp quản lý việc ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi thói quen giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến, việc nghiên cứu ứng dụng hợp đồng điện tử là đòi hỏi hết sức cấp thiết.

Đối với hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, hiện nay, Dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng không cho phép người tham gia tại Việt Nam nhận bảo trợ từ các nhà phân phối ở nước ngoài. Các ý kiến tại tọa đàm ủng hộ mục tiêu của Ban soạn thảo trong việc ngăn chặn hoạt động “tiền thị trường” - hoạt động xây dựng mạng lưới bất hợp pháp tại Việt Nam của các nhà phân phối nước ngoài.

Các đại biểu đã kiến nghị cho phép hoạt động bảo trợ quốc tế vào Việt Nam đối với nhà phân phối trong mạng lưới của các DN đã được cấp phép. Đối với các quan ngại về thuế, có thể bổ sung các hạn chế, ví dụ không cho phép DN Việt Nam chi trả cho người bảo trợ ở nước ngoài bất kỳ khoản lợi ích kinh tế nào phát sinh từ doanh số của mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam… Về quy định đối với đại diện tại địa phương, Nghị định 40 đòi hỏi DN bán hàng đa cấp phải cử một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để làm việc, báo cáo cơ quan quản lý tại địa phương.

Trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm điều kiện theo đó đòi hỏi các cá nhân phải được cấp xác nhận kiến thức về bán hàng đa cấp thì mới có thể được uỷ quyền làm đại diện tại địa phương cho DN. Các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng quy định này là một thủ tục hành chính mới sẽ có hiệu lực áp dụng cho hàng ngàn đại diện tại địa phương trên phạm vi 63 tỉnh/thành của các DN hiện tại, và đương nhiên nó sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn cho các DN. Về vấn đề yêu cầu cập nhật hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối, các DN đồng tình với ban soạn thảo trong việc cần phải quy định một khoảng thời gian nhất định để cập nhật thông tin về nhà phân phối, giao dịch và thông tin có liên quan trên hệ thống.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.