Italia có thêm một địa danh được công nhận là Di sản thế giới

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa quyết định công nhận thêm một địa danh nổi tiếng nữa tại Italia trở thành Di sản thế giới.

Theo đó, ngày 28-7 (giờ địa phương), UNESCO thông báo chính thức công nhận “12 bộ cổng vòm thời Trung cổ và các công trình xung quanh tại thành phố Bologna” là Di sản thế giới.

“Vào thế kỷ XX, việc sử dụng bê tông cho phép thay thế những mái vòm truyền thống bằng những khả năng xây dựng mới và một ngôn ngữ kiến trúc mới cho những mái vòm đã xuất hiện... Những dãy cổng đã trở thành một biểu tượng và yếu tố của bản sắc đô thị của Bologna. Con đường đi bộ có mái che dài nhất thế giới dẫn đến Thánh địa của Đức Mẹ San Luca ở Bologna, một vương cung thánh đường nằm trên cao của thành phố, dài 3,8 km, với 664 mái vòm”, UNESCO thông tin về di sản thế giới mới vừa được công nhận.

Quảng trường tại thành phố Bologna, Italia. (Ảnh: AP)
Quảng trường tại thành phố Bologna, Italia. (Ảnh: AP)

Cụ thể, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ XII, các cổng vòm này trải dài suốt 62 km tại thành phố Bologna, với phần bảo tồn tương đối tốt nằm tại khu vực trung tâm.

Được làm bằng gỗ, đá, gạch hoặc bê tông cốt thép, các cổng vòm này bao phủ các đường phố, quảng trường, lối đi và vỉa hè. Là nơi che mưa nắng, trong nhiều thế kỷ, các cổng vòm đã chào đón các gian hàng của thương nhân và xưởng của thợ thủ công.

Qua nhiều thế kỷ, các cổng vòm này cũng làm tăng nguồn cung nhà ở của thành phố, với những chỗ ở được xây dựng trên nóc cổng vòm - một tài sản của Bologna, nơi hàng triệu sinh viên đã đổ về kể từ khi trường Đại học Bologna được thành lập năm 1088, một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới.

Như vậy, với việc công nhận “12 bộ cổng vòm thời Trung cổ và các công trình xung quanh tại thành phố Bologna” là Di sản thế giới thì Italia trở thành quốc gia có nhiều di sản văn hóa nhất trên thế giới với 58 địa điểm.

LS

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.