Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công

Chiều 27-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nhiều nội dung quan trọng cho 5 năm tới: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; Kế hoạch vay, trả nợ công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các ý kiến đề nghị, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, khắc phục giải ngân chậm.

Chuẩn bị cho sự thay đổi trong thời kỳ hậu đại dịch

Thảo luận về vấn đề đầu tư công trung hạn, các đại biểu Quốc hội đồng tình với Chính phủ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng công khai, minh bạch, khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay như chậm giải ngân vốn hay vấn đề thủ tục... Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, tăng đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh…

Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý, để chuẩn bị cho sự thay đổi trong thời kỳ hậu đại dịch nên chuẩn bị đầu tư cho nguồn nhân lực bởi đây là yếu tố quyết định đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch nói riêng và quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), nguồn kinh phí phân bổ cho văn hóa, thông tin chiếm tỷ lệ 1,12%, phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ lệ 2,52% nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phương án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là chưa tương xứng. Đại biểu đề nghị: “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Chúng ta phải coi văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế. Văn hóa được đầu tư là ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước không chỉ mang lại giá trị bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (là hồn cốt của dân tộc) mà còn mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương”.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) chỉ ra hiện chi ngân sách cho khoa học công nghệ đạt không quá 2%, không đảm bảo vai trò vốn mồi, thúc đẩy đầu tư công còn hạn chế. Dẫn tới đến nay mặc dù hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh đang được triển khai, như việc dự kiến có thể sản xuất một số vắc xin, sinh phẩm y tế, song các sản phẩm có đạt theo yêu cầu hay không là vấn đề đặt ra và cần báo cáo toàn diện… "Để đảm bảo hiệu quả các nghiên cứu trên, cần ưu tiên vốn cho khoa học công nghệ và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, trước mắt là nghiên cức vaccine cho phòng chống dịch Covid-19. Ưu tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine quốc gia để phòng bệnh dài hạn" -đại biểu đề xuất.

Đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhận xét, trong thời gian qua, dù đã hạn chế được sự dàn trải, nhưng đầu tư công vẫn còn những hạn chế, tồn tại như phân cấp phân quyền chưa rõ, trình tự thủ tục đầu tư công còn phức tạp, chi đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa giữ vai trò chủ đạo, tiến độ một số dự án trọng điểm còn chậm...

Đại biểu đồng tình với phương án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Chính phủ trình, bố trí đủ vốn cho dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cần tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư công, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, khắc phục giải ngân chậm, thanh toán dứt điểm và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) chỉ ra, bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.

Đại biểu dẫn chứng là tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính “cấp bách”, nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn “cấp bách”. “Điều này cho thấy, nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”- đại biểu nhận xét.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị tăng tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện đầu tư công

Đồng thời chỉ ra, trong tổng số 3.476 dự án diện chuyển tiếp, có hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.

“Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin-cho không biết khi nào mới kết thúc”- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói và đánh giá cao việc Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh một số địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần hết sức lưu tâm trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. Trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Còn trường hợp những hạn chế do tổ chức thực hiện thì cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc phân cấp, phân quyền hiện nay cũng chưa rõ, chưa gắn với trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện.

“Chủ trương thì phải phân cấp mạnh, thế nhưng phân cấp rõ ràng rồi, luật rất rõ rồi nhưng nhiều địa phương vẫn né tránh đùn đẩy và liên tục hỏi lại Trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, gây mất nhiều thời gian và không cần thiết. Đó là liên quan đến mặt trái của phân cấp”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Lý giải những ý kiến về việc dàn trải vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, theo quy định phân cấp, phân quyền, quyết định cuối cùng là của địa phương, Trung ương chỉ phân bổ vốn dựa trên khả năng thu ngân sách.

“Quyền quyết định cuối cùng là ở địa phương, nên bây giờ dàn trải là do địa phương dàn trải, chọn dự án cũng không đúng rồi bố trí vốn chậm, giao vốn chậm, bố trí mặt bằng chậm…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Dành 2,87 triệu tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn

Theo Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 được Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương (trong đó 1,2 triệu tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tổng số dự án thực hiện trong 5 năm tới là dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ vừa qua. Mức vốn bố trí bình quân cho một dự án là hơn 210 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Dự kiến, đến năm 2025, nước ta cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; và hành lang kinh tế Đông - Tây…

Mục tiêu tiếp theo là hoàn thành 84 dự án kết nối liên vùng, dự án lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương… Chính phủ cũng đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất các trường đại học quốc gia, đại học có tính liên ngành, các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao…

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.