Hà Nội:

Phấn đấu đưa 100% các xã vùng dân tộc thiểu số về đích nông thôn mới trong năm 2022

Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, dù nguồn lực đầu tư công hạn chế, tuy nhiên TP Hà Nội vẫn quan tâm, bố trí 1.255 tỷ đồng để thực hiện 89 dự án thành phần tại 14 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các dự án hướng đến nâng cao nhóm tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là thiết chế hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới NTM, toàn TP hiện chỉ còn 14 xã chưa về đích, trong số này có 5 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và 4 xã thuộc huyện Ba Vì (Vân Hòa, Tản Lĩnh, Khánh Thượng, Ba Vì). TP Hà Nội đang phấn đấu để đưa 100% các xã về đích NTM trong năm 2022.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội, vừa qua, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn NTM của TP đã tiến hành đánh giá, chấm điểm các tiêu chí đối với xã Vân Hòa và Ba Vì. Kết quả, 2 xã này cơ bản đủ điều kiện trình UBND TP công nhận đạt chuẩn trong năm 2021.

Hà Nội: Phấn đấu đưa 100% các xã vùng dân tộc thiểu số về đích NTM trong năm 2022
Xã Ba Vì, huyện Ba Vì đủ điều kiện để TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 (Ảnh: Minh Phong)

Đối với xã Khánh Thượng, hiện đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Dự kiến cuối tháng 7-2021, Đoàn công tác của TP sẽ về thẩm định mức độ đạt chuẩn. Xã còn lại của huyện Ba Vì là Tản Lĩnh dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ trình TP thẩm định trong tháng 9-2021.

Xã An Phú, huyện Mỹ Đức hiện còn tiêu chí cơ sở vật chất trường học là chưa đạt chuẩn. Dù vậy, TP và UBND huyện đã quan tâm, đầu tư. Các dự án nâng cấp trường học đang được rốt ráo triển khai, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trong tháng 9-2021 để trình Hội đồng thẩm định của TP đánh giá.

Với kế hoạch rất cụ thể nêu trên, dự kiến trong năm 2022, 14/14 xã vùng đồng bào DTTS của Thủ đô sẽ về đích NTM. Đây là thành tích đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn đan xen trong một vài năm gần đây.

Có thể khẳng định, kết quả xây dựng NTM của các xã vùng đồng bào DTTS có được ngoài nỗ lực tự thân của chính quyền và Nhân dân các địa phương, không thể không nhắc tới hiệu quả tích cực từ chủ trương, chính sách của TP Hà Nội, đặc biệt là thông qua các Kế hoạch số 166 và 138 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô trong các giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong chính sách đầu tư xây dựng NTM của Hà Nội những năm qua, các địa phương vùng sâu, vùng xa được đặc biệt quan tâm. Cùng với hỗ trợ của Trung ương và TP Hà Nội, các địa phương cũng tự cân đối ngân sách để đầu tư xây dựng NTM tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này góp phần mang lại diện mạo tươi mới cho các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.