Giới văn đàn tiếc thương nhà văn Cách mạng Sơn Tùng

Sự ra đi của nhà văn Sơn Tùng là một tổn thất lớn của gia đình, bạn bè, độc giả và nền văn chương Việt Nam.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, SN 1928 tại Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi, trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Trước khi trở thành nhà văn, ông có 27 năm tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên.

Sau khi Hà Nội giải phóng, nhà văn Sơn Tùng đi học Đại học và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông Nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền Phong.

Năm 1965, nhà văn Sơn Tùng là đặc phái viên của báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng.

Cuối năm 1971, ông lui lại hậu phương với 14 vết thương khắp cơ thể, nhiều mảnh đạn trong sọ não không thể phẫu thuật lấy ra được, tay trái co quắp, tay phải chỉ còn ba ngón tay cử động, thị lực còn 1 phần 10, mất 81% sức khỏe. Nhưng ông không đầu hàng số phận, nỗ lực sáng tác văn chương và cho ra đời những tác phẩm làm lay động lòng người, đặc biệt là những cuốn sách viết về Bác Hồ.

Nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn ông đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch.

Giới văn đàn tiếc thương nhà văn Cách mạng Sơn Tùng
Nhà Văn Sơn Tùng

Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học thì có tới 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, Búp sen xanh, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”,… Trong đó, tiểu thuyết “Búp sen xanh” được đánh giá là nổi tiếng nhất.

Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản và nối bản tới 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Cuốn sách được ra mắt năm 1982, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ca ngợi về nhà văn Sơn Tùng: "Nhà văn chỉ còn 3 ngón tay mà vẫn bám được vào đời bằng nghề viết".

Giới văn đàn tiếc thương nhà văn Cách mạng Sơn Tùng
Cuốn sách nổi tiếng "Búp sen xanh"

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về ông: “Phải nói, đó là một con người có nghị lực… Đó là một con người có trí mệnh. Mỗi lần anh gặp tôi thì tôi rất cảm động, bởi vì ngồi nói chuyện về Bác Hồ nhưng phải cố gắng vì vết thương lại đau. Có khi cầm bút viết được, có khi không… Đấy là một con người có chí hướng cách mạng, là một đảng viên trung kiên. Tôi cho là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết…".

Trong tiểu thuyết Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng có câu mà ông thường lấy ra khi viết lời đề tặng sách cho bạn bè, hậu sinh: "Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù". Câu văn này cũng chính là tuyên ngôn về nghề văn, về lẽ sống của con người nói chung.

Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong lễ trao tặng danh hiệu, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có phát biểu cảm động và chính xác về nhà văn Sơn Tùng: "Nhà văn viết bằng tài năng, viết bằng cảm xúc thăng hoa thì có nhiều. Nhưng nếu ai muốn biết nhà văn đã viết bằng máu như thế nào thì xin hãy đến gặp Sơn Tùng…".

Chia sẻ kỷ niệm về nhà văn Sơn Tùng, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: "Nhớ ngày xửa ngày xưa hồi mình còn trẻ thỉnh thoảng hay đến thăm anh và được ngồi nghe anh cùng các bạn anh trong hội "Chiến Văn" trò chuyện. "Chiếu Văn" vừa là bạn văn vừa có nghĩa anh ở ngõ Văn Chương trong một khu nhà đơn sơ thời bao cấp trên một căn hộ ở tầng 2 chật chội nóng nực thiếu thốn đủ bề. Thỉnh thoảng lại được anh ưu ái cho đi nghe anh nói chuyện ở hội nghị này hội nghị kia về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh là người được gần gũi Bác nhưng nói chuyện thật giản dị chân chất chứ không điệu đà hoa mỹ.

Rồi nhân có cuộc thi kịch bản do Bộ VHTT tổ chức, bỗng nảy ra ý định viết về những ngày Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh khi mới ở tuổi 18. Anh Sơn Tùng nhiệt tình ủng hộ và cho phép khai thác tư liệu trong cuốn Búp sen xanh (tất nhiên mình còn phải vào Bảo tàng Hồ Chí Minh tìm đọc và khai thác rất nhiều tư liệu).

Còn nhớ chữ anh Sơn Tùng viết tay thật nắn nót và chữ ký của anh cũng thật đẹp: Dáng một cây Tùng trên núi. Anh đã sống kiên cường như cây Tùng trên núi thật theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Kịch bản có tên “Nhìn ra biển cả”, được giải Nhì và được sản xuất phim sau đó. Vài năm trước, kịch bản được NXB Kim Đồng in thành sách và tái bản. Áy náy vì nhiều thứ lu bu nên chưa đến thăm và tặng anh cuốn sách này thì anh đã ra đi".

Nói về con người của nhà văn, biên kịch Hồng Ngát chia sẻ: "Anh Sơn Tùng là một nhà văn giản dị, liêm khiết, mạnh mẽ, kiên cường, chính trực trong cuộc sống (dù rất nghèo) nhưng ý chí và nghị lực thì khó ai sánh nổi. Vĩnh biệt anh - một nhà văn đã vượt qua rất nhiều bệnh tật để sống và viết. Một Anh hùng thật sự trong đời thường mà tôi từng chứng kiến".

Nhà văn Thiên Sơn cũng nhớ về nhà văn Sơn Tùng: "Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hằng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới…

Ông đã dạy cho tôi về sự kiên định khổ luyện trên con đường văn chương, đến sự rộng mở bao dung trong tâm hồn, lòng nhân hậu, sự biết ơn cuộc đời, sự quan tâm đến những con người đau khổ".

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.