Nhà văn Sơn Tùng - “Cây viết” đại thụ về Bác Hồ

Nhà văn Sơn Tùng qua đời vào ngày 22-7-2021 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, hưởng thọ 93 tuổi. Nhưng, những tác phẩm văn chương của ông sẽ còn sống mãi với thời gian, trong lòng trái tim bạn đọc, đặc biệt là những tác phẩm về Bác Hồ.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, SN 1928 tại Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi, trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Trước khi trở thành nhà văn, ông có 27 năm tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên.

Sau chiến tranh, nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng 1/4, nặng nhất theo thang bậc thương binh ở Việt Nam. Ông xuất ngũ với 14 vết thương trên mình và vẫn còn 3 mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được, mất 81% sức khỏe.

Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được trao tặng danh hiệu này.

Tháng 6-2010, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau biến cố này, sức khỏe ông suy kiệt dần. Ông nằm liệt suốt một thời gian dài, mọi hoạt động đều phải nhờ tới sự chăm sóc của người thân trong gia đình.

Nhà văn Sơn Tùng - “Cây viết” đại thụ về Bác Hồ
Nhà văn Sơn Tùng - Cây viết đại thụ về Bác Hồ

Bằng vốn chữ Nho tự học và chữ Quốc ngữ trường làng, nhà văn Sơn Tùng vẫn tiếp tục cầm bút với vai trò là phóng viên cho các tờ báo và là cây bút chuyên viết về Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc .

Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học thì có tới 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, Búp sen xanh, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”,… Trong đó, tiểu thuyết “Búp sen xanh” được đánh giá là nổi tiếng nhất. Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản và nối bản tới 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.

Với "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng thực sự đã trở thành người đầu tiên mở một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, chân thực và giản dị. Cuốn sách được ra mắt năm 1982, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên.

Để viết nên tác phẩm này, từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác.

Ông cũng đi khắp các miền đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Hồ Chủ tịch từng đi qua. Ông tìm đến những nơi Bác từng đi, những người Bác từng quen. Cùng với đó, ông sưu tầm nghiên cứu các tư liệu quốc tế, các sách báo viết về Bác, đặc biệt các chồng công văn mật, các giấy tờ,...

Cho đến nay “Búp Sen Xanh” vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ Thời thơ ấu, Thời niên thiếu cho đến Tuổi hai mươi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Nhà văn Sơn Tùng - “Cây viết” đại thụ về Bác Hồ
Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cuốn sách thứ 2 là “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”. Cuốn sách ra mắt lần đầu năm 2016, gần ba thập kỉ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện tác phẩm. Bản thảo cuốn sách do con trai nhà văn Sơn Tùng sưu tầm từ những trang viết tay của cha.

“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vô Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) – trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”.

Truyện dài "Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng" của nhà văn Sơn Tùng được chỉnh sửa từ kịch bản phim nhựa "Hẹn gặp lại Sài Gòn". Điều đặc biệt của cuốn sách là vẫn giữ những chi tiết nội dung cuốn “Búp sen xanh”, viết về Bác Hồ ở tuổi hai mươi nhưng khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi anh rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.

Cuốn sách "Từ làng sen" của nhà văn Sơn Tùng có lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam, được long trọng ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1990).

Mở đầu cuốn sách là hình ảnh làng Chùa, núi Hồng, sông Lam quê Bác và kết thúc là hình ảnh con tàu đang rời xa bến cảng Nhà Rồng, chở theo người đầu bếp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba, còn vọng lại tiếng nói của anh: Tổ quốc ta, nhân dân ta phải có độc lập, tự do chứ không thể nô lệ mãi được.

Trong sự nghiệp của mình, nhà văn Sơn Tùng đã dành hết tâm hồn, trí tuệ, sức lực của mình để cống hiến cho văn chương. Nhà văn Hữu Thỉnh trong một lần nói về nhà văn Sơn Tùng đã chia sẻ: "Nhắc tới Sơn Tùng là nhắc tới một con người trí cao, tâm sáng, nghị lực phi thường, một búp sen ngời sáng giữa làng văn nước nhà".

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.