Quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị

Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt và hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương với địa phương...
Ở nước ta hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống đô thị quốc gia phát triển nhanh. Các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau. Quá trình này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị cũng như đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT) khác với nông thôn. Tổ chức CQĐT phải có tính tập trung cao, ít khâu trung gian, bảo đảm tính thông suốt. Hoạt động của CQĐT phải hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Bối cảnh trên đây đòi hỏi phải đổi mới sự điều chỉnh của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của CQĐT. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt và hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch giữa trung ương với địa phương; kiến tạo môi trường thuận lợi để chính quyền đô thị có thể chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.

Pháp luật về tổ chức và hoạt động của  CQĐT góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền địa phương ở đô thị nói riêng.

Có thể khẳng định, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, được thể hiện bằng hệ thống các văn bản quy phạm phạm luật, có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đô thị.

Cách tiếp cận trên cho thấy, pháp luật về CQĐT điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị; cơ cấu, tổ chức của CQĐT; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; phân công, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và CQĐT; mối quan hệ giữa các cấp chính quyền ở đô thị và hoạt động kiểm tra, giám sát của chính quyền trung ương đối với tổ chức và hoạt động của CQĐT…

Về hình thức, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT được biểu hiện dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định với các cấp độ hiệu lực pháp lý khác nhau như Hiến pháp, luật, các văn bản dưới luật như pháp lệnh đến các văn bản pháp quy.

Pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP nói chung và CQĐP ở đô thị nói riêng. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT góp phần bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh giữa trung ương với địa phương (đô thị) nhằm tạo môi trường thuận lợi để chính quyền địa phương ở đô thị có thể chủ động, tích cực thực hiện biện pháp để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, pháp luật xác định thẩm quyền cho CQĐT tự chủ động thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, nhiều đạo luật được ban hành đã cụ thể hóa các quy định về Chính quyền địa phương (CQĐP) như: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015, Luât Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2019… Các văn bản pháp luật đó đã tạo cơ sở pháp luật cho tổ chức và hoạt động của CQĐP trong đó có CQĐT.

So với Hiến pháp năm 1992, điểm mới của Hiến pháp năm 2013 khi quy định về CQĐP xác định “đơn vị hành chính tương đương” là đơn vị thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, cấp CQĐP gồm có Hội đồng nhân dân và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định (khoản 2 Điều 111). Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã xác định rõ “đơn vị hành chính tương đương” là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”.

Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định CQĐP ở đô thị gồm CQĐP ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn. Luật này cũng dành cả Chương 3 với 35 Điều (từ Điều 37 đến Điều 71) quy định về tổ chức CQĐP ở đô thị với nhiều nội dung mới về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền. Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 bổ sung Ban đô thị đối với Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố trực thuộc trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với quá trình đô thị hóa.

Có thể nói, những quy định trên đây là “bước chuyển mình” của pháp luật trong lĩnh vực này. Theo đó, trước đây, pháp luật chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CQĐP chung cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã mở ra khung khổ pháp lý để CQĐP được tổ chức linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính. Từ đó, pháp luật kiến tạo mô hình tổ chức CQĐP phù hợp hơn, có sự phân định rõ ràng giữa CQĐT và chính quyền ở nông thôn, cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đặc trưng của các đơn vị hành chính này.

Tại Hà Nội, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 32) về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đến nay thuận lợi, thực hiện theo đúng quy định.

Bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa-xã hội của cả nước; là đô thị loại đặc biệt, có quy mô dân số đứng thứ 2 trong cả nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo Thủ đô, đặc biệt là khu vực đô thị đã có những bước phát triển vượt bậc, mang tầm vóc của một đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông đô thị, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, truyền thông… và cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ tại khu vực đô thị của Thủ đô đã và đang được đầu tư, xây dựng đồng bộ, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Trong công tác quản lý hành chính của thành phố Hà Nội, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin đang được áp dụng mạnh mẽ trong cải cách hành chính, tạo những chuyển biến đột phá như: Các thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian thực hiện; dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 đã được cung cấp đến người dân, tạo nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp…

Thành phố Hà Nội vẫn đang trong quá trình phát triển, có tốc độ đô thị hóa rất cao. Quá trình đó không chỉ diễn ra ở các quận nội thành mà còn lan tỏa sang các huyện ngoại thành; các khu vực nông thôn cũng đang chuyển biến, mang nhiều đặc trưng của đô thị hơn là của nông thôn.

Quy mô đô thị của thành phố Hà Nội ngày càng mở rộng cùng với tính thống nhất, liên thông, tạo thành những mạng lưới, hệ thống đồng bộ, xuyên suốt địa bàn, không thể chia cắt theo địa giới hành chính, đòi hỏi sự quản lý tập trung, thống nhất. Do đó, mô hình quản lý, cơ chế quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội phải có những đặc trưng phù hợp với tính chất của đô thị để bảo đảm sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.