Thông điệp xanh từ ông bố biến rác thải thành đồ chơi cho con

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục lan tỏa các clip dạy làm đồ chơi cho con từ rác thải của anh Bùi Văn Huy, SN 1981, trú tại khu đô thị mới Nghĩa Đô, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Việc làm đồ chơi cho con trong những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành không chỉ mang đến niềm vui cho các gia đình mà còn truyền đi thông điệp xanh về thế giới không rác thải.

Sau đây là những chia sẻ rất chân tình của anh Bùi Văn Huy với PV của Pháp luật và Xã hội.

PV: Cơ duyên nào đưa bạn tới với việc làm đồ chơi cho con từ phế liệu?

1.	Anh Bùi Văn Huy trong một buổi sinh hoạt hướng dẫn cha mẹ làm đồ chơi từ rác tái chế cùng các con. (Ảnh chụp trước ngày 23/4/2021). Ảnh NVCC
Anh Bùi Văn Huy trong một buổi sinh hoạt hướng dẫn cha mẹ làm đồ chơi từ rác tái chế cùng các con. (Ảnh chụp trước ngày 23/4/2021). Ảnh NVCC

Anh Bùi Văn Huy: Câu chuyện bắt nguồn từ việc cùng chơi với con thông qua các món đồ chơi tôi nhận thấy trẻ nhỏ luôn luôn tò mò, muốn tìm tòi khám phá những gì mới lạ nhưng cũng cả thèm chóng chán. Tôi nảy ra các ý tưởng làm những món đồ chơi để cùng chơi với con và luôn biến hóa, khi các con không thích nữa. Ban đầu làm từ vật liệu bìa giấy carton bởi bìa giấy rất dễ tạo hình. Sau này, tôi sử dụng thêm các nguồn vật liệu khác như vỏ hộp sữa, chai lọ nhựa.v.v...

PV: Bạn hãy cho biết về hành trình từ việc làm đồ chơi cho con đến việc lan tỏa bảo vệ môi trường.

Anh Bùi Văn Huy: Qua quan sát thực tế, tôi thấy rằng, trung bình một bạn nhỏ uống từ 1-2 hộp sữa tươi mỗi ngày và sau đó vỏ hộp bị vứt luôn vào thùng rác. Như vậy, lượng vỏ hộp sữa mỗi ngày thải ra ngoài môi trường rất lớn. Tôi đã kiểm tra những hộp sữa khi dùng xong chất lượng còn rất tốt và thật an toàn… Một câu hỏi đặt ra lúc này là: “Tại sao không sử dụng chúng vào mục đích làm nên những món đồ chơi an toàn cho các bạn nhỏ”. Và từ đây, ý tưởng làm đồ chơi tái chế, làm những clip để hướng dẫn cộng đồng cùng tái chế đồ chơi được hình thành thông qua kênh youtube “kheoleodoitay”.

Tái chế đồ chơi như một câu chuyện có khởi đầu là những vỏ hộp nhựa vô tri… và cuối câu chuyện là những món đồ chơi có tâm hồn mà mỗi đứa trẻ (kể cả người lớn) khi nhìn đã muốn chơi, tò mò khám phá. Hoạt động này cũng là “cái cớ”- là góc để bố mẹ kéo con vào cùng chơi, tránh xa những cám dỗ từ các đồ chơi có ảnh hưởng không tốt cho thị giác của các bạn nhỏ. Khi chơi, trẻ sẽ rèn được tính kiên trì, sáng tạo,… vô tình mà hữu ý giáo dục trẻ nhỏ về nhận thức để hình thành ý thức bảo vệ môi trường theo một góc nhìn đầy thú vị.

2.	Anh Bùi Văn Huy bên các món đồ chơi từ rác tái chế. Ảnh NVCC
Anh Bùi Văn Huy bên các món đồ chơi từ rác tái chế. Ảnh NVCC

PV: Trong hành trình làm đồ chơi cho con, chắc hẳn có nhiều kỷ niệm vui và đáng nhớ. Bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc của hành trình biến rác thải thành đồ chơi được không?

Anh Bùi Văn Huy: Trong hành trình làm đồ chơi cho con, niềm vui lớn nhất là được chơi cùng con, được thấy con chơi những món đồ chơi bố làm một cách đầy hào hứng, thích thú chẳng kém gì những món đồ chơi đắt tiền. Ấn tượng nhất là câu chuyện khi đi chơi với con. Hôm đó, đang đi trên vỉa hè, bạn thấy 1 chai nước ai đó uống rồi vứt bỏ, bạn đã cầm lên và bảo bố làm đồ chơi cho bạn ấy. Tôi thật sự bất ngờ bởi con tôi mới chỉ 2,5 tuổi mà đã có ý thức như vậy. Và tôi đã nhận ra một điều, ý thức của trẻ em được hình thành một cách thật tự nhiên khi quan sát người lớn hành động.

PV: Huy có thể cho biết phương châm chính trong hành trình biến phế liệu trở thành đồ chơi của bạn?

Anh Bùi Văn Huy: Từ việc chơi với con tới việc tái chế đồ bỏ đi làm đồ chơi an toàn cho trẻ nhỏ và thấy những sự hân hoan, hớn hở của chúng khi chơi những món đồ chơi đó là chuỗi ngày hạnh phúc. Tôi nhận ra, với trẻ nhỏ, chúng không hề quan tâm tới việc món đồ chơi đắt tiền hay rẻ tiền. Chúng chỉ thích thú với những đồ chơi mới lạ mà thôi. Do đó, những món đồ chơi tái chế mà lại an toàn có tiếng nói riêng của chúng đầy thú vị mà độc đáo, có chỗ đứng trong lòng các bạn nhỏ.

Trên thị trường, những món đồ chơi để gọi là an toàn thì khá đắt. Ngược lại, những món rẻ tiền lại không an toàn cho tiếp xúc da nhạy cảm của trẻ nhỏ. Thông qua việc hướng dẫn cộng đồng cùng làm đồ chơi từ rác tái chế, tôi mong muốn các bố mẹ có thể giảm bớt đi một phần chi tiêu khi mua sắm những món đồ chơi đắt tiền. Thêm vào đó, thông qua tương tác, mối dây thân tình giữa cha mẹ cùng các con sẽ càng thêm khăng khít. Qua việc gần gũi bên nhau, bố mẹ sẽ hiểu rõ các sở trường, sở đoản của con để kịp thời can thiệp và bổ trợ.

3.	Những món đồ chơi ngộ nghĩnh do anh Huy làm. Ảnh NVCC
Những món đồ chơi ngộ nghĩnh do anh Huy làm. Ảnh NVCC

Đồ chơi tái chế an toàn/ Đồ chơi không đồng/ Đồ chơi sáng tạo/ Đồ chơi mang những thông điệp tích cực,... là những cụm từ tôi hay dùng để gọi chúng bởi ẩn chứa đằng sau nó là những thông điệp ý nghĩa, tích cực mà đôi khi chỉ cần nhìn thôi đã cảm nhận được thật rõ ràng.

PV: Dự định sắp tới của bạn là gì?

Anh Bùi Văn Huy: Qua hành trình làm đồ chơi tái chế và mong muốn lan tỏa rộng rãi hơn nữa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa, nhân văn về môi trường, những góc vui chơi sáng tạo, liên kết gia đình,… Tôi đã mở rộng hơn kênh tương tác đó là trang web: https://kheoleodoitay.vn/ . Trang web như là một hệ sinh thái, là một nguồn tài nguyên để có thể cho những tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm giáo dục, các tổ chức phi chính phủ,… dùng tham khảo cho các dự án nhỏ trong nhà trường, tổ chức các sân chơi kết nối giữa phụ huynh với các con.

Là một kiến trúc sư nên tôi khá bận rộn. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng cân bằng quỹ thời gian để tiếp tục làm/ biên tập những clip hướng dẫn làm đồ chơi tái chế thông qua kênh youtube, trang web gửi tới cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi mong muốn đưa những món đồ chơi tái chế hiện trên những trang giấy trắng, đó là viết sách.

4.	Ô tô được làm từ bìa giấy. Ảnh NVCC
Ô tô được làm từ bìa giấy. Ảnh NVCC

Xin cảm ơn bạn đã chia sẻ. Chúc các dự định trong tương lai của bạn sẽ thành công và thông điệp xanh từ các món đồ chơi tái chế ngày càng được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Vy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.