Giá trị nhân văn từ cuộc thi “Cảm nhận về sách” trong trại giam:

Kỳ 8: Sách là người bạn xua tan sự dày vò

Từng có công việc ổn định, có chức tước trong môi trường giáo dục, nhưng vì tiền, Đinh Thị Bích Thủy, SN 1980, trú tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phải trả giá bằng bản án 17 năm tù.

Khép lại tương lai vì ham tiền

Giờ đây, phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy đang thi hành bản án 17 năm tù ở trại giam Tân Lập (Bộ Công an) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy, thì xưa kia Thủy là giáo viên dạy sử và từng chạm tay đến ánh sáng hào quang của tiền tài và địa vị xã hội. Nhưng “thứ ánh sáng đó đã khiến tôi mờ mắt và lạc lối. Tôi đã để lại sau lưng mình một gia đình hạnh phúc với người chồng hiền lành nhân hậu cùng hai đứa con thơ để bước chân vào một nơi mà có lẽ không một ai mong muốn đó là trại giam. Tôi đã sống những ngày tháng tuyệt vọng và bế tắc”, Thủy viết trong bài cảm nhận về sách khi tham gia cuộc thi do Cục Quản lý trại giam phát động.

Bài dự thi viết “cảm nhận về sách” của phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy được Ban giám thị đánh giá cao
Bài dự thi viết “cảm nhận về sách” của phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy được Ban giám thị đánh giá cao

Thủy tâm sự: “Tôi đã từng có ý định tự tử, nhiều đêm không sao chợp mắt được bởi cứ nhắm mắt lại, hình ảnh chồng ngồi ủ rũ, đôi vai trĩu xuống hôm CA đọc lệnh khám nhà rồi dẫn tôi đi, cứ hiện ra trước mắt. Tôi đã từng là niềm tự hào của cả gia đình, vợ chồng đã từng rất hạnh phúc và mãn nguyện với thành quả gặt hái được, vậy mà…”. Cô bỏ dở câu nói, mắt ngấn nước.

Tài liệu điều tra thể hiện, trước khi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủy đang là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh, huyện Thanh Sơn; còn chồng là GĐ Trung tâm văn hóa thể thao của một huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Là Hiệu phó có trình độ cao học, Thủy dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, nhất là những đồng nghiệp đang dạy hợp đồng có nhu cầu xin vào biên chế, thi công chức. Mặc dù mối quan hệ của mình chỉ ở một mức độ nhất định nhưng khi thấy có nhiều người tới cầu cạnh, nhờ xin chạy biên chế, Thủy đã nhận lời giúp với chi phí khoảng 160 triệu đồng/suất. Tuy nhiên, số tiền nhận của 27 người, Thủy không sử dụng chạy công chức cho họ mà chi dùng vào việc cá nhân hết. Ngoài số tiền hơn 4 tỷ đồng của 27 người nhờ xin việc, chạy công chức, Thủy còn vay 6,25 tỷ đồng của 8 người dân đầu tư vào việc kinh doanh buôn bán. Sự việc chỉ được phát hiện khi Thủy làm ăn thua lỗ, không có khả năng hoàn trả và bị những người cho vay làm đơn tố giác… Với số tiền hơn chục tỷ đồng chiếm dụng của người dân và những đồng nghiệp nhờ chạy công chức, Thủy bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 17 năm tù.

Sách là bạn

Suy sụp, Thủy đã nghĩ tất cả tương lai cuộc đời mình đóng sập. Nhưng khi vào trại giam, chứng kiến nhiều cảnh đời và được đọc sách đã khiến cho Thủy chiêm nghiệm ra nhiều điều. Thủy viết: “Riêng với tôi, chưa khi nào tình yêu dành cho sách của tôi bị thuyên giảm, vì sách không chỉ để đọc mà sách còn là văn hóa, là nền nếp, phong cách sống . Ngay cả bây giờ, khi đang là một phạm nhân chấp hành án phạt tù được nhiều năm tại trại giam Tân Lập , tôi càng cảm nhận được sách là một người bạn, một phần quan trọng trong đời sống cải tạo của mình. Khi phân trại số 5, nơi tôi đang cải tạo mở một thư viện dành riêng cho phạm nhân, tôi đã gần như bật khóc. Tôi không nghĩ rằng mình còn cơ hội để lướt qua những hàng sách ngay ngắn, lựa chọn những quyển sách mình yêu thích và được say sưa trong thế giới của những trang sách. Thư viện của chúng tôi còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng vài trăm đầu sách. Tất cả đều là sách cũ đã qua sử dụng nhưng chúng tôi hiểu rằng đó là thành quả sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam Tân Lập dành cho chúng tôi...”.

“Ngay từ những ngày đầu tiên được lên thư viện đọc sách, tôi khá bất ngờ thấy ở đây, rất nhiều phạm nhân hồ hởi đăng ký với đội trưởng phạm nhân để được đi đọc đợt đầu. Trong đó có cả những phạm nhân là dân tộc thiểu số, trình độ thấp và những phạm nhân mới học xong chương trình xóa mù chữ của trại. Nhìn những ánh mắt háo hức, chăm chú lần giở từng trang sách, tôi thấy không khí của phòng đọc tràn ngập cảm xúc giống như một buổi hội ngộ của những người bạn đã lâu không gặp. Có vậy mới thấy sự khát khao chữ nghĩa luôn có sẵn trong mỗi con người, chỉ là bằng cách nào để khơi lên ngọn lửa ấy từ những tâm hồn đã khô cằn, chai sạn. Và thật may mắn cho chúng tôi là ở nơi đây, những người cán bộ, chiến sỹ trại giam đã ngày đêm cần mẫn nhen lại cho chúng tôi ánh sáng của mầm thiện.

Ngoài việc được cấp phát đầy đủ các tiêu chuẩn chế độ theo đúng quy định của Nhà nước, giờ đây chúng tôi còn được tạo điều kiện về đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thể thao... Tôi chợt nhớ đến câu nói của bà Phó Giám thị phụ trách phân trại số 5 rằng: “Mặc dù các anh chị đã bị mất quyền công dân, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết mình để đảm bảo quyền con người của các anh chị...”. Câu nói đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi nghĩ về chữ con người trong câu nói của bà. Đó là điều mà chúng tôi vùng vẫy ngoài cuộc sống tự do, bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo, chúng tôi đã dần đánh mất phần người trong chính bản thân mình...”, phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy viết

Thủy bảo rằng, những quyển sách trong thư viện trại giam phần lớn là do thư viện tỉnh Phú Thọ ủng hộ, một phần do gia đình phạm nhân mang đến đóng góp. Tôi đọc được ở một vài quyển sách có những dòng chữ của trẻ thơ gửi tặng bố (mẹ) đang chấp hành án phạt tù trong trại giam. Những nét chữ tròn to, ngây ngô những gửi gắm biết bao tình cảm và sự mong đợi của con trẻ. Chắc hẳn sẽ có nhiều nữ phạm nhân là những bà mẹ, khi đọc những dòng chữ này sẽ có chung cảm nhận giống tôi. Một sự nghẹn ngào và đó cũng là bài học đầu tiên chúng tôi được học khi đặt chân vào trại giam đó là sự hối hận. Cán bộ của tôi nói rằng: “Con người có hối hận về hành vi sai lầm của mình là vẫn còn cứu được”...

(Còn nữa)

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.