Ngành nghệ thuật truyền thống “điêu đứng” trước nỗi lo “kép”:

Kỳ 2: Chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”

Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam) chia sẻ: “Trên sân khấu nghệ sĩ là ông hoàng, bà chúa nhưng khi tấm màn nhung khép lại là cuộc sống mưu sinh đời thực. Từ nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền những người nghệ sĩ đành phải chọn cách “lấy ngắn nuôi dài” bằng “nghề tay trái” để giữ lửa nghề”.
Kỳ 1: Khi lãnh đạo Nhà hát ngồi trên “ghế nóng” Kỳ 1: Khi lãnh đạo Nhà hát ngồi trên “ghế nóng”

Giữa đại dịch Covid-19, sân khấu truyền thống “đóng cửa” thời gian dài khiến lãnh đạo các đơn vị như ngồi trên ghế “nóng”, đặc ...

Chạy sô “nghề tay trái”

Kể từ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại, rất nhiều nghệ sĩ trẻ tại các sân khấu nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc,… rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Theo quy định, các đơn vị không dùng ngân sách nhà nước mà dùng nguồn thu bên ngoài (tiền hợp đồng biểu diễn, bán vé) để trả lương cho các nghệ sĩ có hợp đồng ngắn hạn. Bởi vậy, tiền lương chi trả dành cho đối tượng hợp đồng ngắn hạn tại các đơn vị nghệ thuật công lập hoàn toàn phụ thuộc vào các suất diễn.

Trong khi, sân khấu “đóng cửa”, các suất diễn phải tạm hoãn, hủy kéo theo những trăn trở hữu hình, nhiều nghệ sĩ không có lương. Sống vì nghề đã khó, bỏ nghề thì không đặng, nhiều nghệ sĩ trẻ đã chọn “nghề tay trái” để mưu sinh.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam) được đào tạo từ lớp chuyên biệt về Tuồng. Sau tốt nghiệp, Tuấn Hiệp cùng 28 nghệ sĩ trẻ được Nhà hát Tuồng Việt Nam góp mặt trong Đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Tuồng Việt Nam).

Tài năng và sức trẻ, Tuấn Hiệp đã giành hàng loạt thành tích vàng cho Nhà hát Tuồng. Kể tới là tấm huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019.

Năm 2020, Tuấn Hiệp giành giải Diễn viên xuất sắc, Huy chương vàng tại Hội diễn Tài năng trẻ toàn quốc. Năm 2021, được tặng Bằng khen tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu Trung Quốc – ASEAN.

Thế nhưng, với hợp đồng viên chức hạng IV, Tuấn Hiệp cũng như các nghệ sĩ hợp đồng khác chỉ được hưởng hệ số lương 1,86 triệu đồng cộng tiền trợ cấp nghề thì mỗi tháng em được 3,1 triệu đồng và không có bất cứ một khoản thù lao nào khác. Với thu nhập hiện có rất khó khăn để Tuấn Hiệp bám trụ tại đất Thủ đô.

Trước đây, bên cạnh mảng sân khấu, Tuấn Hiệp hoạt động với vai trò MC (dẫn chương trình), ca sĩ,… Do tình hình dịch bệnh, không thể duy trì nghề nào liên quan đến nghệ thuật nữa. Sau nhiều chọn lựa, Hiệp quyết định công việc làm làm mảng tín dụng cho ngân hàng với mức lương hạn hẹp.

Hiệp bảo: “Cuộc sống khó khăn buộc mình phải tự đứng trên đôi chân. Đó là cách “lấy ngắn nuôi dài” với những nghệ sĩ trẻ”.

Trong câu chuyện của Quỳnh Liên (Nhà hát Tuồng Việt Nam) là một nỗi niềm khác.

“Với sự chủ động, tích cực, đưa nghệ thuật Tuồng tiếp cận với khán giả, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng chương trình sân khấu Tuồng trên phố đi bộ Hà Nội tại địa chỉ 64 Mã Mây. Định kỳ tối thứ 6, chủ nhật hàng tuần, các trích đoạn Tuồng được biểu diễn phục vụ khán giả. Điều khó khăn với diễn viên là diễn một vai chính 3 giờ đồng hồ, mặc bộ áo giáp nặng 6 - 7kg, diễn sân khấu ngoài trời gần 40 độ. Lúc đó, tâm lý khá mệt mỏi nhưng vẫn phải diễn say mê, nhiệt huyết. Thù lao cho nữ diễn viên chính là 200.000 đồng/suất diễn, trong đó là cả tiền bốc đồ, làm sân khấu để diễn. Đối với các nghệ sĩ trẻ như Liên, có suất diễn là may mắn vì để cân đối thu, chi Nhà hát cũng cắt giảm nhân sự trong mỗi buổi biểu diễn để còn đủ tiền chi trả cát-xê cho nghệ sĩ”, Quỳnh Liên kể.

Là “cặp đôi vàng” ngành Xiếc, Thùy Dương (SN 1987) và Đức Thắng (SN 1982) cũng khó có thể xoay sở trước cuộc sống khó khăn vì sân khấu tròn đóng cửa. Hai diễn viên tài năng Liên đoàn Xiếc Việt Nam với tiết mục đu dây lụa đôi lựa chọn công việc bán hàng online nhằm kiếm thêm thu nhập, duy trì cuộc sống.

Một cặp vợ chồng khác của Liên đoàn Xiếc là chị Dương Quyên và anh Lê Minh Sinh – cặp đôi tạo “thương hiệu’ với tiết mục dây da đôi. Bên cạnh việc bán nông sản online, chị Quyên dạy thêm bộ môn yoga bay cho chị em phụ nữ. Hiện, trung tâm yoga đóng cửa, chị vẫn duy trì dạy online cho học viên.

Kỳ 2: Chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”
Nghệ sĩ Dương Quyên (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) dạy yoga bay online cho các học viên.(Ảnh tư liệu)

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có hỗ trợ nấu cơm trưa cho các nghệ sĩ tập luyện, giảm một phần chi phí sinh hoạt cho họ. Nay, nguồn thu bán vé không có, Liên đoàn Xiếc phải đi vay vốn để chi trả lương cho nghệ sĩ, suất cơm trưa nghĩa tình không thể thực hiện được”.

Theo chia sẻ của NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tình trạng sân khấu đóng cửa thời gian dài, rất nhiều diễn viên múa rối rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc bỏ nghề. Tại đơn vị, nhiều nghệ sĩ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSƯT nhưng họ vẫn bỏ nghề. Có nghệ sĩ khác thì về làm bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe,…

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, từ tháng 4-2021, kế hoạch mở các chiếu chèo phục vụ khách du lịch phải dừng lại. Các diễn viên hợp đồng với mức lương 3 triệu đồng/tháng, nhưng do không có suất diễn, không bán vé nên đã nghỉ làm. Đến nay chỉ còn 19 diễn viên biên chế được trả lương.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho đời sống nghệ sĩ, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, nhà hát vừa ra quyết định mỗi tháng trích từ ngân sách của đơn vị để hỗ trợ tiền nhà ở cho các diễn viên không có lương khoảng 1,5-2 triệu đồng/người... Giải pháp chi trả lương, hỗ trợ các nghệ sĩ khắc phục những khó khăn trong dịp này được các nhà hát triển khai nhằm giữ chân diễn viên trẻ không bỏ sân khấu.

Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện chương trình ghi hình với Nhà hát truyền hình 2 vở diễn. Sắp tới, vở tuồng “Trung thần” sẽ được phát sóng trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên VTV1.

Một sân khấu online vừa là cơ hội cho diễn viên có thể duy trì “lửa nghề” khi sân khấu bấy lâu nay phải “tắt đèn”.

(còn nữa)

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.