Nét duyên tà áo dài Việt

Áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc Việt. Trải qua năm tháng, áo dài biến đổi không ngừng về kiểu dáng nhưng luôn tôn vinh nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Lịch sử của tà áo dài có nhiều điều khá đặc biệt. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bộ quốc phục của phụ nữ Việt xuất hiện vào giai đoạn 38 – 42 sau công nguyên. Sau đó, khoảng năm 1744, áo giao lĩnh xuất hiện. Chiếc áo được may rộng, xẻ hai bên hông, thân dài chấm gót, cổ tay rộng. Thân áo được may bằng bốn tấm vải kết hợp cùng thắt lưng màu và váy đen. Chiếc áo mộc mạc, khiêm tốn, 4 tà áo mang ý nghĩa nhắc người phụ nữ luôn phải mang ơn và phụng dưỡng chu toàn tứ thân phụ mẫu, giữ trọn “tam tòng tứ đức”.

1.	Áo dài giao lĩnh xuất hiện năm 1744
Áo dài giao lĩnh xuất hiện năm 1744

Áo dài tứ thân xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 với ưu điểm giúp phụ nữ cảm thấy tiện lợi hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Về kiểu dáng, áo tứ thân gần giống áo dài giao lĩnh nhưng 2 tà trước rời nhau để có thể buộc gọn lại khi làm việc, hai tà sau may liền tạo nét duyên dáng, thướt tha.

2.	Áo dài tứ thân giúp người phụ nữ thuận tiện hơn trong sinh hoạt
Áo dài tứ thân giúp người phụ nữ thuận tiện hơn trong sinh hoạt

Đến thời vua Gia Long, áo ngũ thân ra đời dựa trên sự thay đổi kiểu dáng từ áo tứ thân. Áo được may thành hai tà như áo dài, tà trước có thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo và đây chính là vạt thứ 5. Kiểu áo này chỉ dành cho người có địa vị cao trong xã hội mà thôi.

Vào năm 1939, họa sĩ Cát Tường đã cải biến từ áo ngũ thân thành áo dài Lemur. Áo được đặt theo tên tiếng Pháp của bà. Lúc này, áo chỉ có hai vạt trước và sau, thân áo dài chấm đất. Điều đặc biệt khác với kiểu dáng áo dài trước đó, áo dài Lemur được may ôm sát cơ thể, tay thẳng, có viền nhỏ, khuy áo mở bên sườn. Kiểu dáng của áo tôn lên vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ.

3.	Áo dài do họa sĩ Lê Phổ cải biến từ áo dài Lemur
Áo dài do họa sĩ Lê Phổ cải biến từ áo dài Lemur

Sau này, áo dài Lemur được họa sĩ Lê Phổ bỏ hết những chi tiết ảnh hưởng của phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Bắt đầu từ thời điểm này, áo dài Việt Nam định hình phong cách và bắt đầu nổi tiếng. Sau này, có khá nhiều cách tân khác nhau, nhưng kiểu dáng đặc trưng của áo dài Việt với đường may tinh tế tôn nét đẹp gợi cảm của người phụ nữ, quần ống rộng tạo sự thoải mái, dễ chịu trong di chuyển được yêu thích cho đến ngày nay.

4.	Trang phục của cô dâu thập niên 80 – 90
Trang phục của cô dâu thập niên 80 – 90

Áo dài gắn bó mật thiết với người phụ nữ Việt từ khi bắt đầu là thiếu nữ. Tà áo dài trắng tinh khôi của tuổi học trò gắn với bao kỷ niệm mến thương. Các bà các mẹ dạy con gái những nét duyên thầm khi mang tà áo dài. Từ cách vén tà áo sau mỗi khi ngồi xuống ghế, cách kín đáo khép tà áo khi đứng trước gió... Tất cả tạo nên nét đẹp dịu dàng, duyên dáng, quyến rũ mà không “phô”.

5.	Áo dài Việt có nhiều cách tân khác nhau nhưng đều mang đến nét đẹp dịu dàng cho người mặc
Áo dài Việt có nhiều cách tân khác nhau nhưng đều mang đến nét đẹp dịu dàng cho người mặc

Khi đến tuổi “cập kê”, chiếc áo dài đỏ với “khăn vành dây” được người con gái mặc trong lễ ăn hỏi. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ, các cô dâu của thập niên 80 - 90 thường khoác lên mình chiếc áo dài trắng, đầu đội voan nhẹ, tay đi găng trắng, ôm bó hoa lay-ơn với dải hoa hồng tết thật duyên dáng.

6.	Tà áo dài luôn được chị em phụ nữ dành sự ưu ái trong các ngày lễ, ngày vui
Tà áo dài luôn được chị em phụ nữ dành sự ưu ái trong các ngày lễ, ngày vui

Thấm thoắt, các cô dâu năm nào đã đến tuổi đi dựng vợ gả chồng cho các con, họ lại khoác lên mình tấm áo dài với màu sắc đằm thắm, trang trọng. Ngày Tết, người phụ nữ Việt thường chọn cho mình những bộ áo dài màu sắc tươi sáng, hợp phong thủy để ngưỡng cầu một năm mới vạn sự an lành, hanh thông viên mãn.

Dù năm tháng trôi, tà áo dài Việt Nam mãi mang vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng và tinh tế như những người phụ nữ của mảnh đất hình chữ S thân thương.

Vy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.