Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam:

Những người làm báo tử tế ở Pháp luật và Xã hội

Tháng 7-2006, khi mới tốt nghiệp đại học ngành Xã hội học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, tôi có cơ hội thử sức ở tờ báo mới thành lập tại Hà Nội, Báo Pháp luật và Xã hội.

Những người Pháp luật và Xã hội đầu tiên mà tôi gặp là chú Nguyễn Văn Bình, Tổng biên tập; nhà văn - nhà báo Tuấn Vinh, cố vấn cao cấp của Tổng biên tập.

Có vẻ như thấy tôi là “dân xã hội học” đã quen với việc thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát nên chú Bình giao cho tôi làm phóng viên Ban bạn đọc, dưới sự dìu dắt trực tiếp của Phụ trách ban là anh Nguyễn Xuân Khánh. Điều này khiến tôi thực sự hoan hỉ vì thâm tâm tôi rất muốn làm mảng này. Tôi muốn được trực tiếp “Đồng hành cùng bạn đọc tiếp cận công lý” như khẩu hiệu hành động của Báo.

Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm mà chú Bình và anh Khánh truyền đạt, tôi còn may mắn có được sự dạy dỗ nghiêm cẩn, sự thúc đẩy mạnh mẽ của anh Hoàng Ngọc Châu, Tổng thư ký toà soạn, một nhà báo lãng tử nhưng cũng tài ba.

Xác định mình là dân báo chí ngoại đạo, tôi nhận thức rõ bản thân cần phải căng sức hơn nữa để học hỏi nhanh nhất trong giai đoạn này. Thế là trong mấy tháng trời, cứ lúc nào rảnh là tôi lại lao vào Thư viện Quốc gia, “ngồi thiền” ở phòng Báo - Tạp chí để đọc và “note” lại các ấn phẩm lưu chiểu của Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP HCM... Từ đó, tôi tự đúc rút ra cho mình mô hình viết tin, bài từ các bài báo chuyên nghiệp đó.

Những người làm báo tử tế ở Pháp luật và Xã hội
Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Một năm sau đó, dưới sự dìu dắt, dạy bảo của chú Bình, anh Châu, anh Khánh, tôi đã “vừa học vừa làm” chăm chỉ, có bài viết ở nhiều thể loại được đăng trên mọi trang, mục của Báo. Tôi thực sự biết ơn những người thầy, người anh lớn của mình. Tháng 9 - 2007, tôi 23 tuổi và mới đi làm phóng viên vỏn vẹn 1 năm, vậy mà chú Bình lại giao cho tôi làm phụ trách Ban Thư ký toà soạn.

Tuổi trẻ ai cũng có lúc “điếc không sợ sung”, tôi thấy nhiệm vụ này mới mẻ và nhiều thách thức nên tôi vô tư... nhận. Dưới sự dạy bảo và “bọc lót” kĩ càng của chú Bình, một nhà báo từng là thư ký toà soạn lão luyện, tôi đã may mắn không phụ sự tin tưởng của chú.

Cùng với anh Quốc Hưng hoạ sĩ, chị Thơm, Nhung biên tập, anh Thanh Tuấn, bạn Dương Giang trình bày trang của Ban Thư ký và các anh chị: Xuân Khánh, Phương Hoa, M Tuấn, Hồng Nguyên, Lan Anh, Quang Khởi, Tô Mai Trang, Phan Thuỷ, Điệp Quyên, Phương Tâm, Hải Lý... và các anh chị em ở các ban phóng viên; Cùng với bạn Quý, Đông và đặc biệt là anh Bính ở bộ phận phát hành;

Cùng với chị Vĩnh, chị Tuyết “mama tổng quản” và toàn bộ các anh chị em ở tất cả các bộ phận… Chúng tôi đã cùng nhau làm việc theo tinh thần “chết bỏ”, làm thâu đêm suốt sáng để Báo Pháp luật và Xã hội số này phải hay hơn số trước, số sau phải hay hơn số hôm nay.

Chú Bình quả là một thuyền trưởng đại tài khi khiến anh em “cháy” hết mình như thế! Năm 2010, tôi chuyển công tác. Ngày chia tay, tôi được đứng lên để nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng với những cộng sự mà tôi coi là máu thịt của mình. Tôi là người ít nhớ chuyện cũ, nhưng những kỷ niệm của tôi với Pháp luật và Xã hội thì luôn ngập tràn và sống động trong trái tim.

Đối với tôi, đó thật sự là niềm hạnh phúc vô bờ khi những năm tháng thanh xuân của mình, tôi đã từng được gắn bó mật thiết với những người làm báo tử tế ở Pháp luật và Xã hội!

PV

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.