50 diễn viên tham gia phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”

Sau hơn 2 năm thực hiện, phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” do Cty cổ phần Không gian văn hóa Việt Media sản xuất vừa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến rộng rãi. Phim dự kiến ra rạp khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Phim tài liệu nghệ thuật xuất hiện nhiều trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn hiếm. Điểm khác biệt nhưng hấp dẫn ở phim tài liệu nghệ thuật là đạo diễn được tự do sáng tạo, có thể tận dụng các kỹ xảo điện ảnh, sự dàn dựng nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung cần kể.

Với mong muốn có cách thể hiện mới câu chuyện lịch sử, tạo được sự hấp dẫn với khán giả, nhà sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã quyết định thực hiện phim dưới hình thức phim tài liệu nghệ thuật.

50 diễn viên tham gia phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”
Một cảnh trong phim tài liệu "Đại thi hào Nguyễn Du"

Phim do Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Văn Đức thực hiện. Phim có thời lượng 180 phút, được chia làm 3 phần: “Gia thế và tuổi thơ”, “Mười năm gió bụi”, “Nghiệp văn và quan trường”, tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, tôn vinh di sản văn hóa “Truyện Kiều” do ông sáng tác.

Trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, hơn 50 diễn viên hóa thân vào các nhân vật, như Nguyễn Du, ông bà, bố mẹ, anh chị em, vợ con, những người xung quanh ông và các nhân vật trong tác phẩm “Truyện Kiều”, như chị em Thúy Kiều, Kim Trọng, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải….

Đặc biệt, các cảnh quay của phim được thực hiện tại các huyện ở Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Can Lộc...), tỉnh Bắc Ninh (Đình Bảng, Từ Sơn...), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Vũ Thư), Hà Nội, Huế…, tái hiện lại nhiều bối cảnh lịch sử thời Đại thi hào Nguyễn Du sinh sống.

Nhiều bối cảnh, không gian xưa được dàn dựng, sắp xếp, sử dụng kỹ xảo. Từ đó tái hiện chi tiết, sống động, hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào và hoàn cảnh ra đời “Truyện Kiều”.

Với hình thức mới mẻ, hấp dẫn, phim “Đại thi hào Nguyễn Du” hứa hẹn sẽ tạo được một "làn gió mới" cho thể loại phim tài liệu, góp phần vào sự phát triển của dòng phim này.

Đại thi hào Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ông sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, là nhà thơ lớn của Việt Nam được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Ông có 3 tập tác phẩm tiếng Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông.

Ở Việt Nam, các nhân vật lịch sử: Đại thi hào Nguyễn Du, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, nhà giáo Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới".

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.