Hà Nội:

Nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác quản lý về phòng cháy và chữa cháy

Phân cấp và quy định cụ thể danh mục cơ sở do UBND cấp xã thực hiện quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác PCCC là một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

Bàn giao cho cấp xã quản lý cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ

Theo đó, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn sẽ do cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH có trách nhiệm quản lý, theo dõi; các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ thấp hơn và các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ sẽ do UBND cấp xã sở tại có trách nhiệm quản lý, theo dõi.

Triển khai thực hiện Nghị định số 136, ngay từ năm 2019, thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, trong 2 năm 2019 và 2020, Công an Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Căn cứ quy định tại các thông tư của Bộ Công an, lực lượng Công an cấp xã có nhiệm vụ thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

Để đảm bảo cho lực lượng Công an cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH, từ năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu Công an Thành phố tổ chức hơn 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH cho hơn 3.000 Cảnh sát khu vực, Công an xã và gần 6.000 Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn Thành phố với kỳ vọng đây là “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tại cơ sở.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 1-3-2021, Công an Thành phố đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 575/UBND-NC về thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC của UBND cấp xã, theo đó giao cấp xã tiếp nhận danh sách các cơ sở thuộc phụ lục IV Nghị định số 136 từ Công an quận, huyện, thị xã, đồng thời đã có văn bản chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tổ chức bàn giao danh mục các cơ sở thuộc phụ lục IV Nghị định số 136 về UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý về PCCC.

Đến thời điểm hiện tại, 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đã tổ chức bàn giao danh sách 85.812 cơ sở cho 579 UBND phường, xã, thị trấn để thực hiện việc quản lý Nhà nước về PCCC. Đồng thời, Công an Thành phố đã chủ động xây dựng 02 bộ tài liệu tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác quản lý nhà nước về PCCC cho UBND cấp xã và Công an cấp xã; tiếp tục tổ chức bàn giao tài liệu tập huấn công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH cho lực lượng Công an cấp xã (do Cục C07 biên soạn) đến từng đơn vị xã, phường, thị trấn của CATP theo quy định.

“Cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC

Sau khi được bàn giao danh sách cơ sở PCCC theo quy định, hiện nay UBND cấp xã tiếp tục tổ chức rà soát, bổ sung các cơ sở thuộc Phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trên địa bàn để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Đồng thời, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, UBND cấp xã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn, yêu cầu 100% các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC.

Kết quả trong 2 tháng triển khai (từ ngày 15-4-2021 đến ngày 14-6-2021), toàn Thành phố đã tổ chức tổng số 10.315 lượt kiểm tra an toàn PCCC (bao gồm cả khu dân cư, các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc phụ lục III và phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP); 100% lượt kiểm tra đều hướng dẫn các hộ gia đình ký cam kết khắc phục khi phát hiện các tồn tại về điều kiện an toàn PCCC; đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình ký tổng cộng 58.846 bản cam kết đảm bảo an toàn PCCC; qua kiểm tra, phát hiện 3.430 thiếu sót, 152 vi phạm về PCCC; đã lập 53 biên bản vi phạm về PCCC với tổng số tiền phạt là 156.470.000 đồng...

Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt trọng trách được giao, đòi hỏi UBND cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về PCCC của đơn vị mình đối với các khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phụ trách, trong đó phải chú trọng: Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân PCCC; kiểm tra, hướng dẫn khu dân cư, các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý, xử phạt, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở, hộ gia đình không chấp hành theo quy định; phải thường xuyên duy trì việc rà soát việc chấp hành quy định PCCC của các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn, không được bỏ trống địa bàn, để lọt, để sót cơ sở.

Việc quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý là một quy định hợp lý.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân cấp xã không chỉ có trách nhiệm ban hành, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy mà còn có trách nhiệm thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cũng như tổ chức chữa cháy, khắc phục hậu quả…

Việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp như vậy sẽ giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả từ cấp cơ sở, tạo nền móng vững chắc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần đảm bảo ANCT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.