Câu chuyện hòa giải

Chuyện từ đường ống nước xả thải

Đã từ rất lâu, gia đình bà Báu và gia đình bà Thảo trú tại Cầu Đơ, phường Hà Cầu, quận Hà Đông (Hà Nội) sử dụng chung một đường ống thoát nước thải công. Về sau khi hai gia đình xây lại nhà kiên cố thì hai bên đều xây lên đường ống chung và đường ống nước thải này nằm trên địa phận nhà bà Báu.

Thời gian gần đây, hai nhà thường xuyên cãi nhau về đường ống thoát nước thải, nhà bà Báu không cho nhà bà Thảo xả nước thải vào đường ống vì cho rằng nhà bà Thảo không giữ gìn vệ sinh, để nước thải bẩn, gây mùi hôi thối cho nhà mình.

Cứ thế, hai gia đình thường xuyên cãi nhau. Cho đến một ngày đầu tháng 3-2021, nhà bà Báu sửa nhà ở tầng 4 đã đánh rơi gạch làm thủng mái nhà của bà Thảo và làm vỡ bồn cầu vệ sinh. “Như giọt nước tràn ly”, hai nhà trở nên xung đột, căng thẳng với nhau rồi cùng viết đơn kiện lên tổ dân phố.

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, tổ hòa giải của bà Nguyễn Thị Biên (Tổ dân phố Cầu Đơ 4) kết hợp với tổ trưởng tổ dân phố và hội phụ nữ tổ dân phố đã tiến hành hòa giải.

Chuyện từ đường ống nước xả thải
Ảnh minh họa

Sau khi mời bà Báu, bà Thảo cùng các thành viên trong gia đình của hai nhà đến nhà văn hóa của tổ dân phố để làm việc, ban hòa giải yêu cầu từng thành viên của hai gia đình trình bày sự việc và nêu nguyện vọng của gia đình mình. Sau đó, ban hòa giải đã phân tích đúng sai: Đường ống dẫn nước thải có lịch sử lâu năm và là đường ống công thì bà Báu phải để cho nhà bà Thảo xả thải chung.

Còn nhà bà Thảo phải có nghĩa vụ giữ gìn đường ống sạch sẽ, không gây mùi hôi thối ảnh hưởng tới nhà bà Báu. Việc nhà bà Báu sửa nhà không may làm hỏng mái nhà, bồn cầu vệ sinh nhà bà Thảo thì phải sửa chữa hoặc đền bù cho nhà bà Thảo như hiện trạng ban đầu.

Sau khi nghe ban hòa giải phân tích, chia sẻ, hai gia đình đã nhận ra được cái sai của mình. Bà Báu cam kết sẽ sửa bồn cầu cho nhà bà Thảo, đường ống nước thải hai gia đình sử dụng chung. Còn bà Thảo cũng hứa sẽ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không gây mùi hôi, không gây tắc đường ống để ảnh hưởng đến gia đình bà Báu.

Hòa giải viên Nguyễn Thị Biên chia sẻ: “Để hòa giải thành công các vụ việc thì người hòa giải cần phải nắm rõ chi tiết, ngọn ngành của vụ việc; phải có kiến thức về pháp luật. Đồng thời, người hòa giải cần phải giải quyết các vụ việc một cách công bằng, thấu tình đạt lý. Đặc biệt, không để sự việc mâu thuẫn quá lớn, phải hòa giải ngay khi mâu thuẫn manh nha”.

(Tên nhân vật trong vụ việc đã được thay đổi)

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.