Chủ kho hàng gần 12 nghìn sản phẩm nước hoa nhãn mác ngoại khai gì?

Ngày 2-7, tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội, đơn vị đang phối hợp cùng Đội QLTT số 9 – Cục QLTT TP Hà Nội và Công an quận Tây Hồ tiến hành điều tra mở rộng vụ đối tượng có hành vi mua bán, kinh doanh gần 12 nghìn sản phẩm nước hoa ghi nhãn mác nước ngoài, có dấu hiệu giả mạo.

Thực hiện chỉ đạo của CATP Hà Nội tập trung đấu tranh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội và các “kênh” mua bán trực tuyến, chỉ huy Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội chỉ đạo Đội Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực công nghiệp (Đội 5) tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 5-2021, lực lượng Đội 5 xác định được tổng kho tập kết sản phẩm mỹ phẩm trên, nằm trong khuôn viên Công ty xây dựng Hà Nội, địa chỉ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Chủ kho hàng Hoàng Quốc Phương, SN 1989, HKTT: An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Đây là số lượng hàng hóa (nước hoa) có dấu hiệu vi phạm lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn thành phố. Mọi phương thức giao dịch các đối tượng thực hiện qua mạng xã hội nhưng chỉ cung cấp cho các đại lý và thường bán ra các tỉnh ngoài.

Chủ kho hàng gần 12 nghìn sản phẩm nước hoa nhãn mác ngoại khai gì?
Những lọ nước hoa gắn nhãn mác các hãng nổi tiêng thế giới ở trong kho hàng của Hoàng Quốc Phương

Để qua mặt cơ quan chức năng, chủ kho hàng thuê địa điểm tập kết hàng trong khuôn viên Công ty xây dựng Hà Nội. Bên ngoài khi hàng được kê các thanh gỗ lớn để tránh sự chú ý, mỗi lần hàng về, đối tượng sẽ không giữ lại kho quá 1 ngày, lập tức được vận chuyển đi các tỉnh.

Từ tài liệu thu thập được, khoảng 16g00 ngày 30-6, Đội 5 – Phòng Cảnh sát Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Đội QLTT số 9 – Cục QLTT TP Hà Nội, và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ đã đột kích kho hàng trên.

Sau nhiều tiếng đồng hồ kiểm đếm tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại, ghi nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất, như: Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton.... Hoàng Quốc Phương không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm.

Qua đấu tranh, bước đầu Phương khai nhận, đã đặt mua nước hoa giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài trên mạng xã hội, với giá từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng, tùy theo loại sản phẩm và dung tích. Sau đó cũng thông qua mạng xã hội, Phương tìm các đầu mối tiêu thụ lớn, và hưởng chênh lệch từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/sản phẩm. Quá trình kinh doanh, Phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua hàng.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã mời đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu đến kho hàng để phối hợp xác định chất lượng sản phẩm. Sơ bộ, đại diện các nhãn hàng đều khẳng định hàng hóa tại kho hàng liên quan đến Hoàng Quốc Phương không phải sản phẩm chính hãng.

Phát hiện kho hàng “khủng” nghi giả mạo các hãng nổi tiếng Phát hiện kho hàng “khủng” nghi giả mạo các hãng nổi tiếng

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy ...

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.