Từ vụ án buôn bán các thiếu nữ ở Nam Định: Nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em là rất cao

Hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì vậy người nào thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân.

Mới đây, CQCSĐT CA tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Tiến, SN 2003, ở xóm 3, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, tạm trú tại Khu 8, xã Huy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và Trương Anh Tuấn, SN 1992, trú tại Khu 8, xã Huy Cương về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151, BLHS năm 2015.

Trước đó, CA huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhận được trình báo của một gia đình về việc mất liên lạc với con gái 14 tuổi. Vào cuộc điều tra, CQCA phát hiện ra đường dây buôn bán người do Tiến và Tuấn Anh điều hành. Khám xét nơi ở của các đối tượng, CA huyện Hải Hậu phát hiện 6 bé gái từ 14 đến 15 tuổi đang bị giam lỏng.

Chân dung Trương Tuấn Anh và
Chân dung Trương Tuấn Anh và Đinh Văn Tiến

Qua điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ, Đinh Văn Tiến có bố là người Phú Thọ. Do nhiều lần về quê chơi, Tiến có quen biết với Tuấn Anh (đối tượng này có mở quán karaoke tại TP Việt Trì). Khi được Tuấn Anh đặt vấn đề tìm các bé gái để điều phối cho các quán karaoke, massage khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tiến nhanh chóng nhận lời. Khi tìm được các bé gái, Tiến dẫn đến bàn giao lại cho Tuấn Anh. Mỗi trường hợp thành công, Tiến được Tuấn Anh trả công 2-3 triệu đồng.

Sau khi nhận người, Tuấn Anh bắt đầu cho các bé gái đi mua sắm đồ cho dùng. Để khống chế được các nạn nhân, Tuấn Anh đã ép các nạn nhân viết giấy vay nợ nhằm ép buộc họ phải ở lại làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để trả nợ.

Luận bàn về vụ án này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, những vụ án buôn bán người, đặc biệt là buôn bán người dưới 16 tuổi xảy ra rất nhiều, phổ biến là ở các tỉnh biên giới, khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Trước đây, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người thường là những người thân quen, trực tiếp liên hệ với nạn nhân.

Ngôi nhà nơi Trương Tuấn Anh và Đinh Văn Tiến nuôi nhốt 6 cháu gái
Ngôi nhà nơi Trương Tuấn Anh và Đinh Văn Tiến nuôi nhốt 6 cháu gái

Tuy nhiên vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng số thì nhiều trẻ em đã bị lừa gạt, dụ dỗ và trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người. Việc phát hiện, xử lý các đối tượng thường cho thấy cả một đường dây và rất nhiều nạn nhân. Không phải là nạn nhân nào cũng may mắn được phát hiện và giải cứu bởi cơ quan chức năng.

Có rất nhiều người bị lừa gạt, bị bắt, bị bán ra nước ngoài ít còn cơ hội trở về. Bởi vậy việc đấu tranh với tội phạm buôn bán người nói chung và tội phạm buôn bán người dưới 16 tuổi nói riêng là vấn đề rất gian nan, phức tạp trong thời gian những năm gần đây.

“Hành vi buôn bán người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cư trú, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi buôn bán người còn làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền con người, có nguy cơ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nạn nhân bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, hành vi này hết sức nguy hiểm, cần phải đấu tranh triệt phá để đảm bảo quyền con người, các quyền tự do cơ bản của công dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên người nào thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151, BLHS năm 2015 với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân", luật sư Thái phân tích.

Theo một điều tra viên của CA tỉnh Nam Định từng tham gia nhiều vụ việc tương tự thì nguyên nhân khiến nhiều vụ việc như này bị “chìm xuồng”, không được điều tra, xử lý là do chính phía gia đình giấu diếm sự việc.

“Ở độ tuổi đó, các cháu đều nông nổi, có khi chỉ vì giận dỗi một việc nhỏ cũng bỏ nhà đi và sa vào bẫy của bọn buôn người. Nhưng nhiều phụ huynh vì sợ tiếng có con hư nên giấu diếm, không đến cơ quan công an trình báo, thậm chí còn nói dối là gửi con đến nhà họ hàng”, điều tra viên cho hay.

Cũng theo vị này, hành vi sang sửa sắc đẹp, mua sắm quần áo, điện thoại cho các cháu để ghi nợ, bắt các cháu phải trở thành nhân viên karaoke, nhân viên massage của Trương Tuấn Anh mới chỉ là khởi đầu cho hàng loạt bẫy rập đang chờ đón các cháu gái khi sa chân vào “động quỷ”.

Đặc biệt, các chủ chứa sau đó sẽ tìm đủ cách để tăng số nợ, khiến các cháu làm gì cũng không trả hết nợ. Khi thời điểm chín muồi, chủ chứa thậm chí ép các cháu bán thân, trở thành gái mại dâm để trả nợ.

“Nhiều trường hợp chủ chứa và đám ma cô còn táng tận lương tâm, lừa các cháu sử dụng ma tuý, trở thành con nghiện, nghe theo mọi sự sai bảo để có tiền mua thuốc”, điều tra viên thông tin thêm.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.