Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Về lâu dài, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song trong quý I-2021, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội ước đạt 2,51%, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của TP Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nguyên nhân của sự tăng trưởng trên là do trong những tháng đầu năm 2021 thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lúa và cây màu sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát. Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo thị trường một cách kịp thời của cả ngành cùng các địa phương cũng đã góp phần vào tăng trưởng của ngành.

Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Ngành nông nghiệp Thủ đô vững vàng vượt khó trong “cơn bão” dịch bệnh (Ảnh: Văn Biên)

Bên cạnh đó, việc tăng đàn gia cầm, diện tích rau màu, cây ăn quả đã giúp thị trường nông sản Hà Nội giữ được mức ổn định, không chịu sức ép từ dịch Covid-19. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tập trung tái đàn lợn cũng giúp việc tăng trưởng của nông nghiệp Thủ đô tăng cao (đàn lợn tăng 18,2%, đàn gia cầm tăng 5,4%, sản lượng thủy sản tăng 2,9% so với quý I-2020).

Cũng theo chia sẻ của ông Chu Phú Mỹ, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên ngành nông nghiệp Thủ đô đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn gặp phải những khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có xu hướng tăng cộng với những bất cập trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa được cơ bản tháo gỡ. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng tỷ lệ chế biến sản phẩm còn hạn chế...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, xác định phải “sống chung” cùng dịch bệnh, nên ngành nông nghiệp Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp thích ứng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc lịch mùa vụ. Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết. Tích cực phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương đề nghị các siêu thị, chuỗi cửa hàng tăng cường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân Thủ đô. Đồng thời thu mua, dự trữ nông sản trong hệ thống. Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ chủ động nắm bắt thị trường, căn cứ vào diễn biến cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, ngoài việc xây dựng phương án, kịch bản trong sản xuất, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chủ động kết nối các thị trường mới để bảo đảm tiêu thụ hàng hóa. Tập trung đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ kiến nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệp. Phát triển các khu chế biến tập trung và đầu tư sản xuất con giống cung cấp cho các tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu nông sản của thị trường Thủ đô và đối phó một cách hiệu quả với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Về lâu dài, Hà Nội định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… Đồng thời thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.