Doanh nghiệp vận tải thoi thóp giữa đại dịch Covid-19

Không còn "liêu xiêu", mà đến "mùa" Covid lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp vận tải chỉ còn "thoi thóp". Khó khăn trăm bề, nhiều doanh nghiệp hiện đang đứng trên bờ vực phá sản.

Đã gần 2 tháng kể từ đợt nghỉ lễ 30-4, cả loạt xe của anh N.X.T, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T&T Việt Nam nằm im phơi nắng, phơi gió. Từ 40 chiếc xe làm dịch vụ vận chuyển khách, sau mấy mùa Covid, Công ty anh T. chỉ còn lại 25 chiếc xe.

"Đã lâu lắm rồi cả công ty không có nổi một đồng doanh thu. Trước bên tôi còn có những xe hợp đồng đưa đón công nhân, nhưng đến nay những "mối" tưởng chừng như ổn định này cũng phập phù hôm đi, hôm nghỉ." - anh T. cho biết.

Việc không có đồng nghĩa với không có doanh thu. Lái xe của công ty cũng buộc phải cho nghỉ vì không có việc. Từ 40 lái xe, giờ công ty chỉ còn hơn chục tài xế lâu năm.

"Số lái xe này cũng chỉ nhận được lương hỗ trợ, gọi là có chút ít để duy trì và chia sẻ khó khăn cùng anh em chứ cũng không được nhiều." - anh T. nói.

Cũng theo anh, số tiền lương hỗ trợ lái xe hàng tháng tầm khoảng 60 triệu cũng là áp lực rất lớn với một công ty đang thoi thóp thở.

Doanh nghiệp vận tải thoi thóp giữa đại dịch Covid-19

Bé có nỗi lo của bé, còn các doanh nghiệp vận tải lớn cũng khó khăn đủ điều. Ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty CP xe khách Hà Nội thông tin, địa bàn hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là khu vực Hà Nội đi Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Và như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này gần như "đóng băng" hoạt động.

“Đầu năm thì xảy ra đợt dịch kéo dài ở Hải Dương, chúng tôi đã phải tạm dừng gần như toàn bộ hoạt động và từ tháng 4 đến nay lại có đợt dịch kéo dài ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp đang "đóng băng", không làm gì cả. Toàn bộ hơn 100 xe khách chạy liên tỉnh và xe buýt kế cận "đắp chiếu", gửi ở đầu các địa phương”- Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội cho hay.

Trong khi đó, số lượng lái xe, nhân viên của Công ty lên đến gần 400 người, ngoại trừ một số đang bị cách ly ở địa phương thì số còn lại phải làm việc luân phiên và hưởng lương kiểu trợ cấp.

Khó khăn là vậy, doanh thu hầu như không có, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gồng mình lên cố gắng để không tuyên bố phá sản.

Như công ty của anh T., anh cho biết, mỗi tháng từ chi phí bến, bãi, nhân sự, văn phòng, lãi ngân hàng, thuế... tính sơ sơ đã hết 5 - 600 triệu.

"Tiền ngân hàng đã chiếm 1/3 số tiền phải chi trả hàng tháng đó. Mà khốn nỗi, tiền trong tài khoản thì âm, nhưng tất cả các khoản phải chi hàng tháng lại không được chậm một ngày nào." anh T. than thở.

Anh cho biết, trong gần hai năm qua kinh tế gia đình anh gần như kiệt quệ. Vay được ai thì đã vay hết rồi.

"Khoản vay còn ở ngân hàng của T&T chỉ tầm 2 tỷ. Tầm tiền đó với một doanh nghiệp thì không nhiều, thế nhưng muốn vay thêm lại không thể. Lâu nay, các ngân hàng đã "ngầm" ban bố "luật" không tiếp nhận khách hàng kinh doanh du lịch, vận tải. Thế nên cho dù muốn thế chấp tài sản để tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động kinh doanh là điều không thể."

Cũng như anh T., ông Huy cho biết: "Doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng vẫn phải vay mượn, chạy vạy để tạm ứng lương hỗ trợ người lao động. Khó khăn nhất với chúng tôi là khoản vay ngân hàng. Doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh thì không có nguồn thu, không có chi phí để thanh toán cho ngân hàng, trong khi các khoản vay này đều chịu lãi suất cao, phải thanh toán đúng kỳ."

Khó khăn trăm bề, để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn này, theo anh T., đầu tiên có lẽ vẫn là vấn đề giải quyết bài toán kinh tế cho doanh nghiệp. "Việc có những gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp là điều cần thiết nếu như ngân hàng đã "đóng cửa". Ngoài ra cũng cần có những biện pháp hỗ trợ khác như giãn thời gian trả nợ vốn vay, giãn thời gian thu nộp thuế..."

Nói về việc giảm lãi xuất, theo anh T. nếu giảm được lãi xuất thì giảm thật sâu mới thực sự có tác dụng, nếu không cũng không giải quyết nhiều. Chủ yếu vẫn là giãn thời gian hoàn vốn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là điều cần thiết.

Theo anh T., nếu Chính phủ đồng ý lùi thời hạn lắp đặt camera bắt buộc đối với xe kinh doanh vận tải theo NĐ10 thì sẽ tạm bớt được 1 khoản chi phí cho các DN Kinh doanh vận tải thêm 1 năm.

"Làm ăn được thì 5-10 triệu lắp đặt 1 bộ/1 xe cũng không phải là vấn đề quá lớn nhưng 2 năm nay ngắc ngoải thì quyết định này có thể coi như “nắng hạn gặp mưa rào!”.

Và trong lúc cố gắng thoi thóp thở, thì bất cứ động thái nào của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp cũng là điều đáng quý!

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.