Đánh sập 75 hầm vàng ở Vườn quốc gia Sông Thanh

Chiều 22-6, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa báo cáo kết quả đánh sập hầm vàng trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh huyện Nam Giang.

Theo báo Chính phủ, quá trình thực hiện đánh sập các mỏ vàng diễn ra từ ngày 19-6 đến 22-6. Cụ thể, ngày 19-6 bộ đội tiến hành vận chuyển và bố trí vật liệu nổ đánh sập tại 11 hầm vàng trái phép tại Thạnh Mỹ 2. Ngày 20-6, đánh sập 25 hầm vàng trái phép tại Thạnh Mỹ 1. Ngày 21-6 đánh sập 22 hầm vàng trái phép tại Thạnh Mỹ 1. Ngày 22-6 đánh sập 17 hầm vàng trái phép tại khe Tà Vạt.

Nổ mìn đánh sập các hầm vàng trái phép Vườn quốc gia Sông Thanh ẢNH: C.X
Nổ mìn đánh sập các hầm vàng trái phép Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: C.X

Tổng cộng, đã đánh sập 75 hầm vàng khai thác trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh.

Để phá hủy các mỏ vàng trái phép, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã sử dụng 6,2 tấn thuốc nổ, 1.000 kíp nổ điện, 2.400 quả nổ mồi… Quá trình bố trí vật liệu nổ đánh sập các hầm vàng tuân thủ đúng nguyên tắc kỹ thuật, đảm bảo an toàn về người và trang bị.

Trước đó, đầu tháng 3-2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực tế 3 khu vực khai thác vàng trái phép ở khe Tà Vạt, khe Thạch Mỹ 1, khe Thạch Mỹ 2 và xác định tổng số là 75 hầm đào vàng. Mỗi hầm có chiều sâu từ 11 - 88 m; bên trong có các ngõ ngách và giếng sâu ngập nước. Vị trí các hầm đều ở độ cao trung bình từ 400 đến 500 m, vách núi đứng, cây cối rậm rạp, tập trung ở đầu nguồn chảy về hồ thủy điện Sông Bung 4.

Việc chuẩn bị, cơ động lực lượng, tập kết trang thiết bị, vật liệu nổ trong thời gian 10 ngày. Hiện các lực lượng đã cơ động về vị trí tập kết, đưa quân về đơn vị đảm bảo an toàn, báo Thanh niên cho biết.

Ngày 23-12-2020, tỉnh Quảng Nam công bố quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh, nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang. Trong đó 58.220ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng; hơn 18.360ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động.

Theo các nhà chuyên môn, nơi đây đang có 23 loài đặc hữu, 49 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 168 loài bò sát, lưỡng cư và 899 loài thực vật…

HP

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.