Hà Tĩnh nỗ lực đánh thức tiềm năng logistics

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dịch vụ Logistics. Kinh tế Hà Tĩnh nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng đang trên đà phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Gần đây, Hà Tĩnh liên tục nằm trong các tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.

Với vị trí thuận lợi trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế,cảng quốc tế Lào - Việt ngày càng thu hút khách hàng, trở thành doanh nghiệp chủ đạo của hệ thống cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với việc áp dụng các chính sách kích cầu đầu tư hệ thống logistics của địa phương, cơ hội phát triển của khu vực cảng trọng điểm này ngày càng rõ nét.

Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của Lào và Thái Lan. Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý, có luồng hàng hải ngắn, chiều sâu tự nhiên lớn (Vũng Áng -11m; Sơn Dương -20m).

Cảng Vũng Áng
Cảng Vũng Áng

Trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, khu logistics Vũng Áng có diện tích quy hoạch 106,9 ha, công suất khoảng 16,3 triệu tấn/năm; khu logistics cảng Sơn Dương có diện tích quy hoạch 159,84 ha, công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm.

Những lợi thế của cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương đã lọt “mắt xanh” nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Tập đoàn cảng Hạ Môn (Trung Quốc), Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn cảng biển Singapore và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn..

Đầu năm 2021, đoàn công tác cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Trần Tiến Hưng -Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã có chuyến khảo sát, làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương.

Biên bản ghi nhớ thống nhất trên nguyên tắc hợp tác để cung cấp và sử dụng các sản phẩm dịch vụ vào lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Về phía Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có trách nhiệm khảo sát đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển và Trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, công cụ xếp dỡ, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác cảng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời kêu gọi các chủ hàng, hãng tàu và các khách hàng là đối tác của Tân Cảng Sài Gòn để mở tuyến vận tải hàng container qua cảng Vũng Áng.

Về phía Tỉnh Hà Tĩnh, có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp các thông tin liên quan để phục vụ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ cho Tân Cảng Sài Gòn trình tự thủ tục đầu tư dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết:Cùng với việc thành lập tổ công tác liên ngành, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng Vũng Áng thời gian qua, cũng như thời gian tới. Trên cơ sở đó, trao đổi, cung cấp số lượng đối tác, khách hàng với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để xây dựng kế hoạch cụ thể.

Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt là thành viên tham gia vào tổ công tác liên ngành của tỉnh, tham mưu cho tỉnh một số nội dung cụ thể. Ngoài nhiệm vụ chung đó, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký kết hợp tác mở tuyến vận tải/khai thác hàng container qua cảng Vũng Áng.

Ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết:Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực cần thiết để tiếp nhận tàu và hàng container. Cùng với đó là phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với một số khách hàng nội địa và khách hàng tại Lào; tính toán đưa ra giá dịch vụ hợp lý cho các chủ hàng và phương án khai thác; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan cho Tân Cảng Sài Gòn để phối hợp nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai.

Triển khai ý tưởng phát triển chiến lược này, liên ngành Sở Công thương, Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã đề xuất UBND tỉnh áp dụng giải pháp kích cầu, duy trì tuyến bằng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Từ đó, ngày 28-4-2021, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ nói trên đến hết 31-12-2023 bằng nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, hãng tàu biển bốc hàng, trả hàng tại cảng Vung Áng có tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến vào, ra cảng.Các doanh nghiệp, đối tác có hàng hoá vận chuyển bằng containerđược hỗ trợ 700 ngàn đồng/container loại công 20 feet, 1 triệu đồng/container (đối với công 40 feet trở lên)... Hiệu ứng đầu tiên của chính sách này là chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 5-2021, riêng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã cập cảng Vũng Áng, vận chuyển 95 container từ cảng Hiệp Phước - TP Hồ Chí Minh đến Vũng Áng và Tân Cảng 189 Hải Phòng. Hoạt động này còn có ý nghĩa duy trì và phát triển tuyến dịch vụ vận tải biển nội địa kết nối hàng hoá Miền Bắc - Vũng Áng - Miền Nam và ngược lại, phục vụ nhu cầu cho khách hàng ở khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình và hàng quá cảnh qua Lào...

Với chiến lược phát triển và tư duy "đi tắt đón đầu" về khai thác tiềm năng cảng biển cũng như dịch vụ kèm theo, cảng Vũng Áng mặc dù có điểm xuất phát không cao nhưng đã sớm định danh trên bản đồ hàng hải Việt Nam. Từ những giải pháp này, sẽ góp phần nâng cao năng lực, hệ thống dịch vụ cung cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư của hàng hoá XNK tại một trong những khu kinh tế trọng điểm ven biển khu vực Bắc Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.