Hà Nội đặt ra 15 chỉ tiêu trong triển khai thực hiện ứng dựng CNTT và Chính quyền số

UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2021.

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân trên địa bàn thành phố về Chính quyền số và an toàn thông tin mạng; tổ chức phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn người dân trên địa bàn thành phố sử dụng các dịch vụ số của cơ quan Nhà nước.

Theo Kế hoạch, thành phố đặt ra 15 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó phấn đấu mức độ hài lòng của ngươi dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính (gồm cả trực tiếp và trực tuyến) của thành phố đạt tối thiểu 85%;

Tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với cổng Dịch vụ công quốc gia; 20% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 30% cuộc họp cấp Thành phố và 10% cuộc họp cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống thông tin;

10% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; 10% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội...

Trong năm 2021, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thành phố Hà Nội sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số.

Thành phố đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là phát triển hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố, kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác. Phát triển cổng dịch vụ công thành phố, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dựa trên nhu cầu người dân.

Đồng thời, thành phố có các hình thức khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và phát triển các công cụ tiếp nhận ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến;

Hà Nội đặt ra 15 chỉ tiêu trong triển khai thực hiện ứng dựng CNTT và Chính quyền số
Ảnh minh họa

Kết nối với cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến một cách đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc; đưa các dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; triển khai chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Thành phố cũng đẩy mạnh việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, biên lai điện tử đối với các dịch vụ hành chính công của thành phố. Phát triển hệ thống tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong lĩnh vực bảo tồn di sản; Tiếp tục duy trì, phát triển các ứng dụng, dịch vụ đã được triển khai, phục vụ người dân có hiệu quả như: môi trường, nông nghiệp, giao thông, giáo dục và đào tạo,...

UBND thành phố đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số; tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố và người dân trên địa bàn thành phố về Chính quyền số và an toàn thông tin mạng.

Tổ chức phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn người dân trên địa bàn thành phố sử dụng các dịch vụ số của cơ quan Nhà nước thông qua các hoạt động xã hội hóa; Nghiên cứu đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan Nhà nước các cấp của thành phố về phát triển Chính quyền số và an toàn thông tin mạng. Từng bước tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

Các cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hoá hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số; đồng thời rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số.

Từng bước ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ trả lời tự động, giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phát triển Chính quyền số cho thành phố. Khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính công ích để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ của chính quyền thành phố.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích các nhà tổ chức khoa học, các doanh nghiệp công nghệ số phát triển công nghệ mới, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính quyền số chothành phố.

Thành phố cũng nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực về CNTT chất lượng cao làm việc. Đồng thời, chủ động, tăng cường các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển Chính quyền số.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.