Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam:

Kỳ 2: Nghệ sĩ long đong...

Từ tháng 10-2018, các nghệ sĩ đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam bị cắt lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khiến cuộc sống của các nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn.
Kỳ 1: Gần 30 nghệ sĩ ký đơn đề nghị giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa VFS

Không được hưởng chế độ hưu vì bị cắt bảo hiểm

Trước khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam có 80 nghệ sĩ, trong đó 60 người thuộc biên chế, 20 người ký hợp đồng ngắn hạn. Hiện tại, nhiều người đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên còn gần 40 người thuộc biên chế.

Được biết, từ khi bị cắt lương, cắt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các nghệ sĩ phải xoay sở nhiều việc để kiếm sống. NSND Quốc Tuấn cho biết vì không có bảo hiểm y tế, nhiều nghệ sĩ mất hàng chục triệu đồng mỗi lần khám, chữa bệnh. Các nghệ sĩ phải cố gắng tìm các công việc làm thêm như viết thuê, quay thuê cho các đơn vị khác, bán hàng online,… để kiếm sống.

Kỳ 2: Nghệ sĩ long đong...
Các nghệ sĩ trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam

Gần đây nhất có nghệ sĩ Nguyễn Xuân Thành đến tuổi về hưu nhưng số năm đóng bảo hiểm không đủ (thiếu 3 năm) nên không được làm thủ tục về hưu mà phải về "một cục". Nếu như Tổng Cty Vận tải thủy Vivaso (đơn vị chủ quản hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam) đóng bảo hiểm 3 năm cuối cùng cho nghệ sĩ Nguyễn Xuân Thành thì nam nghệ sĩ sẽ được hưởng chế độ lương hưu.

NSND Quốc Tuấn cũng thuộc một trong số những trường hợp sang năm sẽ về hưu nhưng do 3 năm nay bảo hiểm xã hội bị cắt nên khó có chế độ hưu trí.

"Tôi xác định tinh thần sẽ không có sổ lương vì số năm đóng bảo hiểm xã hội không đủ. Tuy nhiên, tôi muốn lên tiếng vì những nghệ sĩ còn lại. Mấy chục nghệ sĩ đã sống không lương mấy năm nay", NSND Quốc Tuấn cho biết.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng thể hiện sự bức xúc về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra chậm trễ, không dứt điểm khiến Hãng phim gần như không hoạt động, không có phim.

“Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo trong công văn ngày 26-2-2019 nhưng việc cổ phẩn hóa Hãng phim vẫn không được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc Hãng phim gần như không hoạt động, không có phim, những quyền lợi tối thiểu của các nghệ sĩ và người lao động của Hãng bị vi phạm nghiêm trọng nhưng không ai lên tiếng, bảo vệ. Chúng tôi muốn đặt câu hỏi với các cơ quan liên quan là tại sao đến giờ này, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết dứt điểm? Khúc mắc nằm ở đâu? Và ai là người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này?” - NSƯT Bùi Trung Hải cho biết.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu từng gắn bó với Hãng phim như NSND Bùi Cường, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khi còn sống cũng rất trăn trở về số phận của Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi các nghệ sĩ kỳ cựu này ra đi rồi, tương lai của Hãng phim vẫn không biết đi đâu, về đâu.

“Những nghệ sĩ trẻ như chúng tôi còn 10-20 năm cống hiến nữa cho Hãng phim nhưng tương lai không biết sẽ đi về đâu. Thực sự chúng tôi rất lo lắng cho số phận của Hãng phim”, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Vẫn thắp lên những tia hy vọng dù nhỏ bé

Không có việc làm, quay phim Lê Minh Hà gặp nhiều khó khăn khi phải sống bằng nguồn thu nhỏ bé của gia đình. Anh cho biết: "Thật sự cuộc sống rất khó khăn khi chúng tôi không có việc làm, bị cắt lương, bảo hiểm. Có điều, chúng tôi vẫn chờ đợi và hy vọng việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được giải quyết dứt điểm để anh em nghệ sĩ chúng tôi được quay trở lại làm việc và cống hiến”.

Quay phim Nguyễn Việt Hùng chia sẻ tất cả nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đều muốn có việc làm, trước tiên là có đồng lương để sinh sống, tiếp đến là cống hiến cho sự phát triển của Hãng phim, cho nền điện ảnh nước nhà.

Chung niềm hy vọng với các nghệ sĩ, NSND Quốc Tuấn cho biết: "Việc cắt lương, cắt bảo hiểm là thiệt thòi rất lớn đối với nghệ sĩ chúng tôi. Đặc biệt là việc cắt bảo hiểm khiến nghệ sĩ lẽ ra được hưởng hưu trí thì lại không được. Nếu chuyển đi làm việc nơi khác thì sẽ rất phí cho những người đã cống hiến 10-20 năm cho Hãng, cho ngành điện ảnh. Chúng tôi chỉ hy vọng sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo mới nhất về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc cổ phần hóa Hãng phim sẽ được giải quyết dứt điểm, quyết liệt để Hãng phim quay trở lại đúng nghĩa là đơn vị sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn và phát huy những thành quả hơn 60 năm các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng lên. Anh em nghệ sĩ chũng tôi cũng có việc làm, được sáng tạo và cống hiến".

Kỳ 2: Nghệ sĩ long đong vì không có việc làm, bị cắt lương, cắt bảo hiểm
Hãng phim truyện Việt Nam là nơi sản sinh ra nhiều bộ phim kinh điển, là niềm tự hào của điện ảnh nước nhà

Hãng phim truyện Việt Nam từng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh Cách mạng nước nhà với hơn 60 năm tuổi, là nơi sản sinh ra nhiều bộ phim kinh điển, là cái nôi trưởng thành của nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội. Việc kế thừa và phát triển sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước là việc làm chính đáng, nhân văn, cũng là bổn phận và trách nhiệm của các thế hệ sau.

Để có một ngày mai tươi sáng hơn của Hãng phim, rất cần đến những bước đi đúng đắn, sáng suốt ở ngày hôm nay. Và để làm được điều đó rất cần sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng, để việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được giải quyết dứt điểm, các nghệ sĩ được quay lại làm phim, đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp phát triển của Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng, điện ảnh nước nhà nói chung, đúng như niềm mong mỏi của các nghệ sĩ và khán giả

(Còn nữa)

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.