Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất đạt tỷ lệ 99,98%

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu là 19g ngày 23-5-2021, kết quả tỷ lệ cử tri đi bầu cử như sau: cả nước có tổng số 69.509.324/70.098.949 cử tri đi bầu (đạt tỷ lệ 99,16%).

Các địa phương đều có tỷ lệ đạt từ 97% trở lên; địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh đạt tỷ lệ 99,98%. Trong ngày bầu cử, các địa phương đã tổ chức tốt công tác phân luồng điều tiết cử tri đi bầu tại các Tổ bầu cử, bảo đảm nguyên tắc 5K, phân luồng theo giờ, bảo đảm an toàn cho cử tri đi bầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Các điểm bỏ phiếu được bố trí đầy đủ tại các Tổ bầu cử, dung cụ đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, nước rửa tay, sát khuẩn, thành viên Tổ bầu cử tăng cường bổ sung nhân viên y tế, hướng dẫn cử tri mang khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào phòng bỏ phiếu và sát khuẩn sau khi bỏ phiếu xong ra về.

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất đạt tỷ lệ 99,98%
Cử tri xã MInh Quang, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) bỏ phiếu bầu cử (ảnh: Công Phương)

Đánh giá dư luận nhân dân, báo cáo nêu rõ, nhìn chung, cử tri cả nước nô nức, phấn khởi đến các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân. Cử tri đã quan tâm, nghiên cứu về tiểu sử người ứng cử, chú trọng đến trình độ, quá trình công tác, đồng thời kỳ vọng vào sự lựa chọn của mình sẽ góp phần bầu những người có đủ đức, đủ tài vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân nên cử tri cho rằng, cuộc bầu cử đã được tổ chức dân chủ, đổi mới, thực sự phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân.

Cử tri đã ý thức và nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia Quốc hội, HĐND các cấp; đồng thời tin tưởng vào thành công của cuộc bầu cử. Điều này được thể hiện ở hầu hết các địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao.

Cho đến thời điểm kết thúc bầu cử, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được bảo đảm, không có vấn đề bất thường xảy ra.

Còn theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tại các địa phương, cử tri phấn khởi, hăng hái, tích cực tham gia bầu cử, thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Nhìn chung, không khí ngày bầu cử trong cả nước sôi động, phấn khởi, đoàn kết, dân chủ; cử tri đồng thuận và tin tưởng vào sự thành công của cuộc bầu cử.

Dư luận trong Nhân dân, cử tri đánh giá cao trình độ, năng lực của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Trước khi bỏ phiếu bầu cử, các cử tri đã tìm hiểu, nghiên cứu tiểu sử của từng người ứng cử để quyết định về việc bỏ phiếu cho người ứng cử nào đại diện cho nhân dân cả nước cũng như của từng địa phương.

Cử tri tại các địa phương đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng và tin tưởng các ứng cử viên sau khi được bầu trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sẽ truyền tải những đề xuất kiến nghị của cử tri đến cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp như đầu tư xây dựng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khám chữa bệnh; tạo cơ hội việc làm cho người lao động...

H.L

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.